Chủ Nhật, 18/08/2013 05:48

Tạo sự gắn bó giữa chủ doanh nghiệp với người lao động

Người lao động (NLĐ) tìm tới chủ doanh nghiệp để tìm việc làm. Ngược lại, doanh nghiệp tồn tại và phát triển lại nhờ vào đội ngũ công nhân của họ. Với cách nghĩ đó, ông Masatoshi Furukawa, Giám đốc Công ty TNHH MSV Huế (May Việt – Nhật) đã cùng Ban Lãnh đạo Công ty xây dựng một thỏa ước có lợi nhất cho NLĐ. Công ty là một trong hai doanh nghiệp của Thừa Thiên Huế được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Doanh nghiệp vì người lao động”.

Trước giờ hẹn 15 phút, tôi nhận được điện thoại của Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH MSV Huế - ông Phan Gia Huy. Ông nói khéo vì sợ tôi đến muộn, bởi đó là nguyên tắc làm việc của Giám đốc Furukawa.

Giám đốc Masatoshi Furukawa kiểm tra công nhân làm việc tại nhà máy

Tôi có chút ngỡ ngàng khi được yêu cầu đổi dép trước cửa công ty. Nhưng rồi, mọi việc nhanh chóng thay đổi bằng sự gần gũi giữa không gian thân thiện ở MSV. Toàn bộ khu vực sản xuất có máy điều hòa, có phòng y tế cho công nhân nghỉ ngơi khi mệt mỏi, ốm đau bất thường. Ông Gia Huy cho biết: “Năm 2015, công ty đã nâng suất ăn công nhân lên 17.500 đồng, mức cao nhất cho NLĐ hiện nay và sẽ tăng lên 20.000đ/suất trong năm 2016 để bảo đảm sức khỏe cho người lao động”. Nói về vấn đề này, ông Furukawa khẳng định: “Chúng tôi là những người kinh doanh nên hiểu rằng, để có sản phẩm tốt không chỉ dựa vào máy móc mà quyết định là ở NLĐ. Vì thế, việc tạo môi trường làm việc cho công nhân ngày một tốt hơn được chúng tôi đặt lên hàng đầu trong chiến lược kinh doanh”.

Hoạt động trong lĩnh vực may mặc với 100% vốn của Nhật Bản, Công ty TNHH MSV Huế tọa lạc trong Khu công nghiệp Phú Bài (TX Hương Thủy), chuyên may những sản phẩm thời trang cao cấp cho thị trường Nhật Bản. Sau 3 năm hoạt động, tuy thời điểm này công ty đang bắt đầu thu lợi nhuận, nhưng ngay khi mới thành lập, công ty đã phối hợp tốt với tổ chức công đoàn để chăm lo đời sống cho công nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông Furukawa có nhiều năm làm giám đốc ở Trung Quốc. Ông chọn Huế đặt trụ sở bởi từ những lần đầu tiếp xúc với người dân ở đây, ông đã cảm nhận được sự thân thiện, chân chất của họ. Điều đó đã tạo cho ông niềm tin.

Với một doanh nhân, tiêu chí hàng đầu là hướng tới lợi nhuận. Sản phẩm của MSV gồm: veston, áo váy công sở, áo piraket… Là những mặt hàng cao cấp được xuất sang Nhật nên đòi hỏi đội ngũ công nhân có tay nghề cao, ít nhất phải mất từ 2 đến 3 năm mới quen công việc. Chính vì thế, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và NLĐ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm cũng như sự tồn tại của công ty. Để giữ chân NLĐ, Ban lãnh đạo công ty đã xây dựng thỏa ước có lợi cho NLĐ trong phạm vi pháp luật Việt Nam cho phép. Như chế độ nghỉ tang 3 ngày không giới hạn ở tứ thân phụ mẫu mà mở rộng thêm ông bà, anh chị em ruột; hay khi công nhân có lý do chính đáng như đau ốm dài ngày, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… phải nghỉ việc quá quy định (mỗi tháng quá 13 ngày) vẫn được công ty ứng lương để đóng bảo hiểm; hạn chế tối đa sử dụng những hình thức kỷ luật nghiêm khắc bằng cách xem xét yếu tố tâm lý của NLĐ để họ yên tâm gắn bó với công ty. Ông Furukawa khẳng định: “Suy nghĩ chỉ hướng tới lợi ích của chủ đầu tư không tồn tại trong chúng tôi, mà NLĐ mới là tài sản lớn nhất. Rất may mắn là tôi nhận định đúng về người Việt Nam nói chung và người Huế nói riêng nên mọi việc đang tiến triển tốt”.  Công ty MSV có gần 1.000 công nhân, hầu hết họ đã tạo cho chủ doanh nghiệp cảm giác yên tâm vì thể hiện được sự trân trọng nơi làm việc. Chị Võ Thị Kim Thịnh, công nhân chuyền 8 thổ lộ: “Tôi cứ nghĩ cố gắng chăm chỉ làm việc, hàng tháng có lương để ổn định cuộc sống là tốt rồi. Thế nhưng, làm việc ở đây tôi có được nhiều hơn những gì mình mong muốn, từ môi trường làm việc đến sự quan tâm của Ban lãnh đạo dành cho từng công nhân”.

Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH MSV Huế vẫn còn trăn trở. Công ty có đội ngũ công nhân tận tâm nhưng chưa mạnh dạn cầu tiến dù đa số đều tiếp thu công việc rất nhanh. Có thể nói, đến giờ Công ty MSV đã định hình được hoạt động, nhưng bước tiếp theo không phải hướng đến việc tăng số lượng mà tiếp tục đầu tư chất lượng sản phẩm cao hơn, vì MSV Huế không những nhận được phản hồi tốt từ khách hàng Nhật Bản mà đã có những đơn đặt hàng yêu cầu công ty sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao, nắm vững kỹ thuật được công ty đặt lên hàng đầu. Ông Furukawa cho biết, sẽ có những chính sách tốt hơn cho người lao động. Trước tiên, cân đối để trả mức lương cao hơn; sau đó, sẽ tạo điều kiện để công nhân đi du lịch và nhanh chóng đưa công nhân MSV sang kiến tập tại Nhật Bản.

Bài, ảnh: Hương Lan

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024
Rà soát, đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có văn bản gửi đến các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu vùng tại các doanh nghiệp áp dụng từ ngày 1/7/2022. Việc rà soát này để có căn cứ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2024.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.

Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động
Chọn ngành theo dự báo thị trường lao động

Cùng với sở thích, đam mê, thế mạnh bản thân, chọn ngành theo dự báo thị trường lao động là tiêu chí mà thí sinh cần chú ý trước ngưỡng cửa đăng ký xét tuyển đại học (ĐH).