Reuters ngày 29/10 đưa tin, 250 tổ chức bao gồm các nhà sản xuất bao bì, các nhãn hiệu hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, các nhà bán lẻ và tái chế hàng đầu, cũng như chính phủ các nước và tổ chức phi chính phủ (NGO) trên toàn cầu cam kết sẽ cắt giảm tất cả chất thải nhựa trong chuỗi hoạt động của mình - một động thái được Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho là nỗ lực tham vọng nhất từ trước đến nay để chống ô nhiễm nhựa.
Một bãi biển tràn ngập rác thải nhựa, chủ yếu từ các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần. Ảnh: DW
“Chúng tôi biết rằng làm sạch nhựa trên các bãi biển và đại dương là rất quan trọng, nhưng điều này không ngăn chặn được dòng chảy của nhựa đổ vào đại dương hằng năm. Chúng ta cần phải truy ngược lại từ nguồn phát sinh”, Ellen MacArthur – người đưa ra sáng kiến này cho biết.
Các tổ chức tham gia vào cam kết trên hứa sẽ loại bỏ nhựa sử dụng 1 lần và không cần thiết, đồng thời sẽ tiến hành đổi mới để tất cả các bao bì có thể được tái chế, với các mục tiêu được xem xét thường xuyên và cập nhật tiến trình để thúc đẩy động lực.
Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) ước tính rằng nếu mức độ ô nhiễm hiện tại vẫn tiếp diễn, các vùng biển sẽ chứa nhiều nhựa hơn cả cá vào năm 2050, với khoảng 8 triệu tấn chai và chất thải nhựa đổ ra các đại dương hàng năm, giết chết sinh vật biển và xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
Phát biểu về chiến dịch này, ông Rob Opsomer, người dẫn đầu sáng kiến New Plastics Economy cho rằng: “Hầu hết các nỗ lực hiện nay đều tập trung vào việc làm sạch ô nhiễm nhựa. Cam kết này hướng tới loại bỏ ô nhiễm ngay tại nguồn”.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu hoàn toàn cấm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, trong một nỗ lực để hạn chế ô nhiễm.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Reuters)