Tờ ANN News ngày 27/12 đưa tin, Trung tâm nghiên cứu lúa gạo Lào đang khẩn trương triển khai mọi nỗ lực nhằm cải thiện tính hiệu quả của chương trình thử nghiệm và nhân giống lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa: Independent
Phát biểu tại hội thảo bảo hộ giống cây trồng, Phó Giám đốc Trung tâm thuộc Viện nghiên cứu Nông Lâm Nghiệp quốc gia (NAFRI) - Bộ Nông Lâm Nghiệp Lào, Tiến sĩ Phetmanyseng Xangsayasane giải thích, biến đối khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến sản lượng lúa gạo trên toàn thế giới. Không ngoại trừ, Lào cũng chứng kiến sản lượng lúa gạo quốc gia dao động liên tục từ 20 – 30%.
Trong năm nay, lũ lụt ở Lào phá hủy rất nhiều cánh đồng, hậu quả là khiến sản lượng hao hụt đến 40%, trong khi thời tiết khô hạn cũng làm sản lượng lúa gạo thu được giảm 20%. Ngoài ra, các loài côn trùng gây hại (rầy nâu, rầy xanh), cùng các chủng bệnh như đạo ôn, bạc lá cũng gây hại rất lớn.
Trước tình hình này, Tiến sĩ Phetmanyseng cho biết bắt đầu từ năm 2007, NAFRI đã ra mắt chương trình nhân giống lúa gạo nhằm phát triển các giống lúa mới có khả năng chống chịu với thời tiết như chịu hạn, chịu ngập... hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
Nhận thấy tiềm năng hỗ trợ cải thiện năng suất và sản lượng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu, trung tâm nghiên cứu lúa gạo cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác để cải thiện việc nhân giống, mục tiêu là phát triển nhiều chủng loại giống có chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tiếp tục bảo tồn các giống lúa có sẵn của Lào.
Với diễn biến của biến đổi khí hậu như hiện nay, các chuyên gia dự đoán nhiều khả năng năng suất cây trồng của Lào sẽ tiếp tục chứng kiến mức giảm 10% vào năm 2020 và 30% vào năm 2050.
Đan Lê (Lược dịch từ ANN)