Lê Xuân Quang, 30 tuổi, Lộc Điền, Phú Lộc (ở giữa, áo trắng ) năm nay là năm thứ 4 đón tết ở đất nước Úc xa xôi nhưng vẫn không giữ được nét đẹp truyền thống khi cùng gói bánh tét với bè bạn. Ảnh: Q.X

Dù bận rộn thế nào, những người trẻ ra đi từ Huế cũng cố xoay xở để có thể đón một cái Tết Nguyên đán ở nơi xứ người bên cạnh những đồng hương Việt Nam.

Gói bánh tét ở trời Tây

Là một trong những quốc gia có số lượng du học sinh Việt khá đông, trong đó có sinh viên đến từ Huế là Nhật Bản. Vì thế, không khí Tết Nguyên đán luôn xuất hiện ở bất cứ nơi đâu có sinh viên Việt, sinh viên Huế. Năm nay là năm đầu tiên cô gái trẻ Phan Bảo Trân (24 tuổi, TP. Huế) đang theo học sau đại học ở Ibaraki (Nhật Bản) cùng bạn bè đón Tết Nguyên đán xa xứ, nơi đất khách cùng với bạn bè. Mọi thứ bỡ ngỡ khi không có gia đình, người thân, ban đầu Trân tỏ ra tủi lòng. Sau mỗi giờ học, cô còn phải làm thêm nên gần như về tới kí túc xá thì rã rời, chỉ muốn nằm ngủ. Nhưng những thời khắc như thế, cô nhớ về quê nhà, nhớ kỉ niệm được đi dạo phố mua sắm, ngắm chợ hoa, rồi thỏa thích được ăn những món ăn ngon… và cái ôm của ba mẹ.

Tuy nhiên, nhờ cộng đồng du học sinh ở nơi cô học rất đông nên cũng được an ủi phần nào khi được mọi người rủ rê lên cho kế hoạch đón Tết trên đất bạn. Trân kể: “Thì ra, ai ai cũng bận nhưng đã lên kế hoạch hẹn hò, cùng nhau gọi điện thoại về cho người thân vào khoảnh khắc giao thừa ở ngay kí túc xá của trường, rồi cùng dùng một bữa tiệc nhỏ, và chia sẻ về cách đón tết của mỗi người”.

Khác với Trân, Lê Xuân Quang (30 tuổi, Lộc Điền, Phú Lộc) năm nay là năm thứ 4 đón tết ở đất nước Úc xa xôi. Quang hiện đang theo làm nghiên cứu sinh khoa học máy tính và đang trong giai đoạn nước rút để bảo vệ luận án. Chừng ấy thời gian ở nơi đất khách quê người, chưa bao giờ Quang nguôi nhớ về quê nhà, nhớ về gia đình, bạn bè lối xóm, đặc biệt vào những thời khắc quan trọng như Tết Nguyên đán. Cái tết đầu tiên Quang kể rất buồn dù có bạn bè đồng hương xung quanh, nhưng giờ đây đã thành thói quen. Quang kể, trước Tết Nguyên đán một tuần, hội sinh viên Việt Nam tại nơi Quang học tổ chức gói bánh tét, nấu bánh và cùng nhau thưởng thức hương vị ẩm thực của quê nhà.

“Ở đây cơ bản không thiếu gì, chỉ thiếu vị thật của quê nhà. Nhưng dù sao như vậy cũng ấm lòng. Làm gì lòng mình cũng hướng về quê hương, hướng về ba mẹ”, Quang tâm sự và cho biết thêm ngày mồng 1 Tết, cả hội sinh viên người Việt rủ nhau đi chùa, cầu nguyện bình an sức khỏe.

Giữ nguyên giá trị truyền thống

Dù bận rộn thế nào, những người trẻ ra đi từ Huế cũng cố xoay xở để có thể đón một cái Tết Nguyên đán với bánh chưng, bánh tét ở nơi đất khách. Ảnh: Q.X

Từ Ball State University, Hoa Kỳ, Hồ Thị Mỹ Hương (giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế) cũng rất nhớ về quê hương vào những ngày Tết vô cùng ấm cúng mà nếu không đi học thì giờ này cũng được sum vầy bên gia đình. Hương kể, năm nay là năm thứ 2 đón Tết ở xứ người và may mắn khi được các bạn trẻ người Việt tổ chức đón Tết theo cách vừa truyền thống, vừa hiện đại theo kiểu “nhập gia tùy tục”.

Cô tự tay mình đi mua nguyên liệu để làm dưa món, và gói bánh tét. Sinh ra vùng làng Chuồn trứ danh bánh tét, Hương luôn tự hào và luôn được nhóm sinh viên người Việt  đặt trong trách quảng bá ẩm thực Việt đến với bạn bè phương Tây.

“Tụi mình không chỉ đón Tết với nhau mà còn mời nhiều bạn đến từ nhiều đất nước khác nhau đang theo học ở Mỹ cùng đón Tết Việt. Ai cũng khen những món Việt ngon, đặc biệt là bánh tét làm theo kiểu Huế”, Hương hồ hởi kể. Không chỉ vậy, nhiều bạn người nước ngoài cũng tham gia với nhiều món ngon đặc trưng, tạo nên một cái tết “liên hiệp quốc” vừa vui, vừa lạ.

Còn ngày Mồng 1 Tết, Hương sẽ làm gì? “Hương mang bộ áo dài truyền thống rồi điện thoại video về cho gia đình, hỏi thăm ba mẹ và mọi người. Nhờ thế mà cái tết xa quê trở nên gần hơn, thiêng liêng hơn” – Hương chia sẻ và nói rằng nhờ mạng xã hội mà giờ đây mọi thứ rút ngắn khoảng cách.

Trong khi đó, chàng trai Nguyễn Văn Vượng (giảng viên Đại học Sư phạm, Đại học Huế) đang theo học ở The University of Auckland (New Zealand) tâm sự, bên ấy việc học, và làm thêm khá bận rộn. Dù thế, đúng thời khắc Giao thừa, cộng đồng sinh viên người Việt vẫn tụ tập với nhau để chung vui, chúc tết cho vơi đi nỗi buồn nơi xa xứ.

Đã trở thành thói quen, Vượng và những người bạn vẫn giữ cho mình thói quen lì xì tiền ngày tết, và ai cũng rất hào hứng khi được cho đi, rồi nhận lại sự may mắn, bình an ngày đầu năm. “Làm gì thì làm, ở đâu cũng phải giữ cho mình những giá trị truyền thống của quê hương. Đặc biệt là những thời điểm quan trọng, ý nghĩa như Tết Nguyên đán”, Vượng xúc động. 

NHẬT MINH