Vui cùng quê hương
Anh Thi Nguyễn định cư ở Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình đã hơn 3 năm nay. Đây là năm đầu tiên anh về quê đón Tết cùng họ hàng, người thân. “Từ ngày qua Mỹ, khi nào cũng nhớ về quê hương. Mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng dạ cứ nao nao, bồn chồn. Dù ở Mỹ cũng nấu bánh chưng, bánh tét, thêm cành mai đào đón Tết cổ truyền nhưng vẫn không thể vui và ấm áp bằng ở quê nhà. Mấy năm đầu mới qua Mỹ, điều kiện kinh tế còn khó khăn, giờ đây đời sống ổn định nên tôi quyết định về quê hương đón Tết cổ truyền”, anh Thi tâm sự.
Xa quê hương, anh Thi Nguyễn mới cảm nhận được sự trống trải khi thiếu vắng người thân, bà con xóm làng. Tết là cơ hội để anh có thể trở về quê hương, gặp gỡ đầy đủ người thân, có điều kiện hương khói tổ tiên, ông bà. Điều anh Thi rất vui khi chứng kiến đời sống của bà con, người thân ngày càng ấm no, thanh bình, ai cũng chí thú làm ăn. Phong trào nuôi tôm chân trắng, nghề đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm được phục hồi nên đời sống người dân ổn định, đón Tết sung túc.
Bộ mặt quê nhà giờ đây đã khác
Anh Vĩnh Nguyễn-Việt kiều Mỹ nhiều năm rồi mới có dịp về quê đón Tết cổ truyền. “Nhiều năm qua chưa có dịp về quê đón Tết nhưng nghe nhiều Việt kiều khoe quê mình đổi thay nhiều lắm. Giờ đây có dịp về quê, tôi mới tận mắt chứng kiến người dân đón Tết yên vui, thanh bình. Tình hình an ninh trật tự trong những ngày Tết rất tốt, không còn thanh niên say rượu bia gây rối trật tự công cộng. Tệ nạn cờ bạc cũng không còn diễn ra phức tạp như trước...”, anh Vĩnh Nguyễn bày tỏ.
Chị Loan Trần cũng là Việt kiều Mỹ có hoàn cảnh khá “đặc biệt”. Dù định cư ở Mỹ mấy chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên chị được về quê đón Tết. Dù nhớ quê nhà da diết nhưng vì kinh tế còn khó khăn, lo nuôi con ăn học, nhiều năm qua chị Loan chưa có điều kiện về quê.
“Mỗi tháng “cày cuốc” lắm cũng chỉ thu nhập từ 5.000-7.000 USD, đủ trang trải sinh hoạt, thuê nhà, nuôi con ăn học; dư giả chút ít thì tích lũy để phòng thân, khi ốm đau, bệnh tật. Trong khi mỗi chuyến về quê cũng ngót ngét trên dưới 10 ngàn USD cho chi phí mua vé máy bay, quà cáp tặng người thân. Bây giờ điều kiện kinh tế đỡ hơn nhiều nên hy vọng hằng năm sẽ về quê đón Tết”, chị Loan chia sẻ.
“Giờ đây nhà nào cũng có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn, nhiều con em thành danh, thành đạt trở thành kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo... góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Có lẽ đây là lần đầu tiên kể từ ngày định cư ở Mỹ tôi mới có dịp đón Tết ở quê hương, cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong đời của một người con tha phương, nơi đất khách quê người như tôi”, chị Loan trải lòng.
Đường sá thênh thang
Tìm người “se duyên”
Tết cũng là dịp để lứa thanh niên Việt kiều về quê tìm “bạn đời”. Đã có nhiều cuộc hẹn hò từ những ngày Tết mà nhiều Việt kiều tìm được cho mình người vợ, chồng như ý. Trong dịp Tết cách đây mấy năm, anh Trình Trần-Việt kiều Mỹ về quê đón Tết, tình cờ gặp chị Hiền Lê, hai người “phải lòng nhau” đã quyết định đi đến hôn nhân. Hơn một năm sau, anh Trình đã bảo lãnh chị Hiền qua Mỹ đoàn tụ. Giờ đây vợ chồng anh đã có hai cháu trai bụ bẫm. Tết này vợ chồng anh lại về quê đón Tết, có dịp ôn lại kỷ niệm ngày mới hẹn hò rồi cùng về chung một mái nhà.
Anh Tình nói, nhiều người thắc mắc rằng ở Mỹ thiếu chi người mà phải về quê lấy vợ, hoặc chồng. Nhưng sự thắc mắc ấy cũng chỉ đúng một phần thôi. Phần nhiều lứa thanh niên bên Mỹ đều chăm lo công việc làm ăn để nuôi bản thân và phụng dưỡng cha mẹ. Mãi lo làm ăn thì đã “quá độ xuân thì”, không còn đối tượng phù hợp để “kết tóc se duyên”. Đây chính là điều mà hầu hết các Việt kiều đều phải về quê lấy vợ, hơn nữa yếu tố phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, văn hóa quê hương cũng rất quan trọng.
Anh Tony Nguyễn –Việt kiều Mỹ từng được nhiều cô gái biết đến với vẻ bên ngoài điển trai, vui tính, hiền lành. Nhưng mãi hơn 40 tuổi vẫn phòng không. Người thân ở quê nhà gửi nhiều ảnh các cô gái xem mặt nhưng anh vẫn quyết định về quê trong dịp Tết này để xem mặt, hẹn hò, xem có hợp tính tình mới tính chuyện kết hôn. Anh Tony thổ lộ: “Mấy ngày Tết vừa rồi tôi đã gặp được người như ý. Hy vọng sẽ nên đôi nên đũa”.
Chủ tịch UBND xã Phong Hải-Phan Khánh thông tin, chính quyền địa phương đang cử cán bộ phối hợp với các thôn nắm bắt số lượng Việt kiều về quê đón Tết cổ truyền. Thông tin bước đầu nhận được, số lượng Việt kiều về quê đón Tết này khá đông. Nhiều Việt kiều định cư lâu năm mới có dịp về quê đều có chung niềm vui, xúc động trước sự đổi thay của quê hương mình. Có trường hợp đăng ký kết hôn trước Tết...
Bài, ảnh: Hoàng Triều