Các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19. Ảnh: TRUNG PHAN

Xét ở khía cạnh kinh tế, chúng ta thử nhìn “cận cảnh” xem Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng đến lĩnh vực nào nhiều nhất. Và trong điều kiện khó khăn này, chúng ta có cơ hội nào để biến khó khăn thành cơ hội không?

Du lịch thì rõ ràng bị ảnh hưởng nhiều. Mấy năm gần đây, du lịch tăng trưởng đột biến chính là nhờ khách Trung Quốc và Hàn Quốc. Khách du lịch quốc tế đến Huế hai thị trường này chiếm một tỷ lệ rất cao. Giờ dịch bệnh xảy ra, tình trạng đóng tạm thời các cửa khẩu, các chuyến bay đến vùng dịch đã ảnh hưởng tức thời lên lượng khách. Một tâm lý sợ dịch lan rộng cũng chẳng ai muốn đi du lịch vào thời điểm này.

Tuy nhiên, tình trạng này cũng không phải là không cho chúng ta những cơ hội. Câu hỏi này, khi trong điều kiện bình thường, nhiều chuyên gia về lĩnh vực du lịch cũng đã thường xuyên đề cập đến, đó là, khi du lịch tập trung phụ thuộc vào một hai thị trường, chưa hẳn là tốt. Nó tốt trong ngắn hạn, nhưng rất có thể sẽ không tốt trong dài hạn một khi thị trường đột ngột “xoay chiều”. Đây là một rủi ro. Mà điều này khả năng diễn ra cũng không hề nhỏ. Hẳn chúng ta còn nhớ những năm trước, khách Nga đến Nha Trang tăng đột biến. Để phục vụ, ngành du lịch phải chạy theo từ cở sở lưu trú, ăn uống, vận tải, hướng dẫn viên, nhân viên… Khi lượng khách Nga giảm đột ngột thì ngay tức thời thị trường rơi vào khó khăn.

Các doanh nghiệp lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19. Ảnh: Minh Nguyên

Chẳng nói trong tình trạng dịch bệnh đang diễn ra, nhưng trong điều kiện bình thường, hoàn toàn có khả năng khách Trung Quốc đột ngột giảm. Toàn thị trường phải tính toán để chuẩn bị tâm thế đón nhận những điều như vậy. Điều này cũng cho chúng ta những cơ hội đánh giá lại sâu sắc hơn thị trường du lịch. Tìm nhiều giải pháp để cân bằng thị trường, tránh “gây sốc” khi một hai thị trường có tác động lên ngành du lịch mạnh có biến động. Cơ hội ở đây chính là tìm kiếm, mở rộng và cân bằng thị trường. Nói một cách khác là phát triển bền vững hơn, sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư hơn. Thị trường một trăm triệu dân như Việt Nam không phải là một thị trường nhỏ, tìm cách khai thác tốt thị trường nội địa cũng là một cơ hội trong thời buổi khó khăn. Bên cạnh đó, rất có thể đây sẽ là một thúc đẩy để những người làm du lịch đẩy mạnh khai thác các thị trường khác như châu Âu, châu Mỹ…, tức là “trong họa có phúc”.

Lĩnh vực thứ hai chúng ta có thể bị ảnh hưởng nhiều đó là ngành dệt may. Hàng nông sản tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc chiếm khoảng ¼, song đối với Thừa Thiên Huế là không nhiều lắm. Bảy tám mươi phần trăm nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng phụ thuộc vào nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Giờ do dịch bệnh bị trục trặc chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng. Cũng như ngành du lịch vậy, đây chính là cơ hội để chúng ta tìm cách giảm sự phụ thuộc. Ví dụ thiết bị máy móc. Máy móc của Trung Quốc có một ưu điểm là giá thành rẻ, nó phù hợp với túi tiền của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhanh thu hồi vốn nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn. Giờ, rất có thể buộc các doanh nghiệp phải tính toán để đầu tư máy móc có chất lượng công nghệ cao hơn. Xét về dài hạn chưa hẳn là một lựa chọn không khôn ngoan. Thiết bị công nghệ tiên tiến sẽ tiết kiệm hơn trong vận hành, như chi phí điện, sửa chữa, bảo hành bảo trì…

Trong một status đăng trên trang cá nhân mới đây, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khi nghe thông tin: “… Một số doanh nghiệp đã tính đến và triển khai sa thải nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ không thời hạn là điều đáng lo lắng”, đã nêu ý kiến của riêng mình, theo tôi là hay và chí lý. Ông cho rằng, các doanh nghiệp không nên đem những gì thuộc về giá trị dài hạn ra để đánh đổi cho sự cân bằng tài chính nhất thời. “Một CEO hay chủ doanh nghiệp đuổi nhân viên ra đường khi chưa có các giải pháp để đồng cam cộng khổ, cùng nhau chia sẻ khó khăn hoặc chưa làm hết sức để đưa toàn doanh nghiệp vượt qua khó khăn sẽ đánh mất đi giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Niềm tin về doanh nghiệp sẽ không còn trong nhân viên, kể cả những người đang được ở lại. Thiệt hại này sẽ kéo dài về sau và khó có thể xây dựng lại bằng tiền…”

Có lẽ, đây là lúc doanh nghiệp tính toán lại những giá trị cốt lõi và dài hạn. Những doanh nghiệp lớn thường hướng đến những điều này.

Lê Phương