Sau thời gian cách ly xã hội, dạy và học trực tuyến để phòng dịch Covid-19, đến nay, học sinh trên cả nước đã trở lại trường tập trung hoàn thành chương trình, đặc biệt khối THPT chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển, xét tuyển vào đại học.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã cơ bản thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT 2020 với cách thức giữ ổn định như thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày 9 và 10/8/2020 do Bộ GD-ĐT chủ trì. Kỳ thi năm nay được giao hoàn toàn cho các địa phương tổ chức, dưới sự thanh tra, kiểm tra của 3 cấp: bộ, tỉnh, sở; thực hiện ở tất cả các khâu của kỳ thi, tại các hội đồng thi, điểm thi, phòng thi… của địa phương.
Năm nay, các cán bộ, giảng viên trường đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chấm thi trắc nghiệm, song Bộ GD-ĐT dự kiến huy động một lực lượng cán bộ, giảng viên đại học tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, các địa phương cần nhiều yếu tố để có thể tổ chức được một kỳ thi nghiêm túc. Việc giao các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đồng nghĩa với trách nhiệm lớn đặt lên các địa phương để tổ chức tốt các khâu đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công khai và minh bạch.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam hoan nghênh việc giao các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020, song theo ông điều này không hề đơn giản và vì vậy Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn chi tiết để các địa phương không làm sai quy định.
“Người dân bao giờ cũng mong chờ sự công bằng trong thi cử, Nhà nước ta cũng yêu cầu sự chính xác trong thi cử. Bởi vì nếu như thi cử không làm được điều này thì thiệt thòi cho dân và thiệt thòi cả Nhà nước khi không đánh giá được đúng tài năng để sử dụng. Nếu Bộ không có hướng dẫn chi tiết, kỳ thi sẽ có thể trục trặc. Theo tôi, Chủ tịch UBND tỉnh và các lãnh đạo tỉnh cũng phải có chỉ đạo sát sao, không để xảy ra sai sót”, GS Phạm Tất Dong nói.
Với các chuyên gia giáo dục đại học, khi Luật Giáo dục ra đời và khẳng định được năng lực của các địa phương tốt hơn, thì việc giao các địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn hợp lý.
Tiến sĩ Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh: “Nguyên tắc của Đại học Mở trong mùa tuyển sinh năm nay, thứ nhất là không gây xáo trộn. Tức là hòa mình theo dòng chảy của ngành giáo dục nói chung và giáo dục Đại học nói riêng. Thứ hai, không làm phức tạp cho các phụ huynh và thí sinh. Theo đó, làm sao để phụ huynh và học sinh không phải đi lại nhiều, đảm bảo giãn cách xã hội. Thứ ba là nhận phần khó về mình, cái gì khó thì các cơ sở giáo dục đại học phải làm. Trên tinh thần tôn chỉ này, chúng tôi cũng đặt niềm tin vào các đồng nghiệp ở bậc THPT vào các địa phương để lấy kế quả thi tốt nghiệp THPT làm điểm xét tuyển”.
Tâm lý của các thầy cô ở bất cứ bậc giáo dục nào cũng giống với tâm lý chung của các bậc phụ huynh, luôn mong muốn con mình, trò mình giỏi. Nhưng không vì thế mà hạ thấp chỉ tiêu, đánh giá xuống làm mất đi vị thế của người thầy. Mọi sai phạm sẽ khó mà giấu kín được, do vậy địa phương nào làm sai sẽ không tránh khỏi tai tiếng và chịu trách nhiệm cả trước pháp luật.
TS Trương Tiến Tùng cho rằng, bê bối trong những mùa tuyển sinh trước chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. “Tôi hy vọng kỳ thi năm nay được tổ chức an toàn và minh bạch. Những bản án nghiêm khắc trước thềm kỳ thi năm nay sẽ răn đe với những ai có ý định đi chệch đường ray. Theo đó, củng cố niềm tin của người dân với nền giáo dục”, thầy Trương Tiến Tùng chia sẻ.
Như vậy, các thí sinh năm nay tiếp tục thi tại địa phương và không có xáo trộn khiến phụ huynh phải lo khăn gói đưa con đi thi. Đề thi ra theo quan điểm học cái gì thi cái đó, để học sinh có thể tự tin thể hiện năng lực và làm bài thi theo những kiến thức đã được thầy cô giáo trang bị.
Theo VOV