Hỗ trợ người cao tuổi khai báo y tế

Như chuối chín cây

Chị Ngô Thị Diệu Hương (thị xã Hương Thủy) luôn cảm thấy may mắn khi cả hai bên gia đình nội ngoại của chị đều còn đầy đủ cả ba, mẹ và đều đang “tam đại đồng đường”. Tuy tuổi chưa thuộc diện thượng thọ, nhưng cả ba mẹ ruột và ba mẹ chồng chị Hương đều “dằn túi” mấy bệnh trong người. Người thì viêm tụy mạn, người cao huyết áp, người hở van tim, máu nhiễm mỡ… Và nhờ luôn có người bên cạnh ba mẹ, nên dù không ở chung vợ chồng chị Hương vẫn luôn yên tâm về tình hình của ông bà. Ít ra trong các hoàn cảnh đêm hôm, hay trái gió trở trời.

Trong thời gian cao điểm phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, chị thường xuyên ghé về nhà hơn. Lúc thì gửi đồ ăn bồi dưỡng, lúc phụ việc ni việc khác, lúc đơn giản chỉ để nói chuyện, cập nhật tình hình dịch bệnh và những khuyến cáo của chính phủ đối với người già, trẻ nhỏ… Theo Chính phủ chống dịch, đến thói quen mấy cụ phụ lão tụ tập đánh cờ tướng, uống trà mỗi sáng chị cũng vận động ông bà tạm ngưng. Bọn trẻ của các nhà nghỉ học nên tập trung về với ông bà, vừa để ông bà vui vừa dễ quản lý. “Không chỉ chăm lo cha mẹ mỗi bữa ăn, giấc ngủ mà mấy chị em còn quán triệt là “nín” tất cả mọi tình huống dễ chọc giận ông bà. Nhờ vậy, thời gian “ở yên một chỗ, ở yên trong nhà” của người già và trẻ nhỏ trong nhà đi qua nhanh và an toàn”, chị Hương chia sẻ.

Thăm, khám cho người cao tuổi tại cơ sở y tế

Theo Bộ Y tế, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực và thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi 6,8 bệnh. Do vậy, việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.

Các số liệu thống kê của ngành y tế cũng cho thấy, trong đại dịch COVID-19 người cao tuổi thuộc nhóm người có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2. Khi bị nhiễm, bệnh cảnh sẽ nặng nề hơn, điều trị kéo dài hơn với chi phí tốn kém hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Chính phủ và ngành y tế luôn coi người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về con cháu

Phần lớn gia đình ở nước ta sống chung nhiều thế hệ dưới một mái nhà. Dù là hoàn cảnh “sống với cha mẹ”, hay “cha mẹ sống với mình”, thì trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trước tiên phải từ những người trẻ tuổi, khỏe mạnh hơn. Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch bệnh và thời tiết phức tạp như hiện nay, những người trẻ và khoẻ mạnh trong gia đình cần biết rõ về mọi điều cần làm để bảo vệ người có yếu tố nguy cơ để hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi tốt hơn. Điều quan trọng nhất là tạo môi trường sinh hoạt trong gia đình thoải mái, vui vẻ để người già không có cảm giác bất lực, cô đơn, dễ dẫn đến sinh bệnh, cả bệnh về tâm lý và bệnh về sinh lý.

Tính đến ngày 12/6, Việt Nam đã có 57 ngày chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong mỗi gia đình, trong cộng đồng phải tiếp tục quan tâm. Hỗ trợ kỹ năng và kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn tạm thời quản lý sức khỏe người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại tuyến y tế cơ sở trong bối cảnh dịch COVID-19” và “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch COVID-19 cho người cao tuổi tại cộng đồng”.

Tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài đã tác động rất lớn đến sức khỏe của người lớn tuổi. Tuổi càng cao cơ thể người già càng bị lão hóa, tăng thêm khả năng mắc các bệnh lý lây nhiễm từ cộng đồng, như: tiêu hóa, sốt xuất huyết…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch bệnh phức tạp kèm nắng nóng, người già cần được chăm sóc đầy đủ cả thể chất lẫn tinh thần; đảm bảo ăn đủ chất, uống đủ nước và luôn sử dụng những loại thức ăn đã được nấu chín, dễ tiêu hóa và phù hợp với thể trạng của mỗi người. Nhiều gia đình sử dụng máy điều hòa hay quạt hơi nước, ngoài việc làm mát không gian sinh hoạt của các cụ, còn phải chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng. Tránh sự chên lệch nhiệt độ quá cao, tránh việc người gia thường xuyên ra – vào phòng máy lạnh và đặc biệt chú ý sự thay đổi nhiệt độ trên cơ thể các cụ để can thiệp kịp thời khi có tình huống xấu  xảy ra.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN