Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Ninh với hoạt động ngoại khóa (ảnh minh họa)

Mối lo “chạy trường”

Cứ đến đầu tháng 7, phụ huynh lại nháo nhào tìm trường học cho con. Tâm lý chung là luôn muốn lựa chọn trường học có điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có tiếng cho con. Nhiều phụ huynh có xu hướng cho con vào các trường có “thương hiệu” nên đầu cấp tuyển sinh lúc nào cũng “nóng”, nhiều trường rơi vào cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”.

Đã có trường hợp phụ huynh tìm cách nhập hộ khẩu cho con để đường đường, chính chính đến học ngôi trường mà họ cho là tốt. Thế nên, có năm, các trường tiểu học, như Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Quang Trung… phải từ chối hàng chục hồ sơ nhập học vì hộ khẩu không hợp lệ. Một phụ huynh thú nhận, mình quá nôn nóng khi nghĩ đến cách nhập hộ khẩu cho con vào nhà người quen, rồi “mua dây buộc mình”, khi những nghi ngờ bủa vây.

Đối phó với việc "chạy trường" là mối lo của người quản lý giáo dục. Tình trạng trường quá tải khi đông học sinh trái tuyến, trường lại không tuyển đủ học sinh gây ra những bất cập dẫn đến tiêu cực. Chạy vạy ngược xuôi để cho con học trái tuyến, các em cực chẳng đã phải đi học xa, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và đi lại rất bất tiện. Học trái tuyến vừa vất vả cho các em, vừa gây áp lực không cần thiết cho nhà trường về sự quá tải trường lớp, giáo viên. Việc nhiều học sinh “đổ xô” vào một số trường đã tạo nhiều áp lực cho các trường, gây khó khăn cho khâu tuyển sinh và thiếu chủ động về nhân lực, cơ sở vật chất.

Thực tế, trường điểm hay không là do cách nghĩ của phụ huynh khi việc dạy và học của các trường đều theo một chương trình chuẩn chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tất cả các giáo viên đều được đào tạo bài bản trong các trường sư phạm. Do làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục nên một số trường có cơ sở vật chất khang trang hơn. Có một số trường bề dày thành tích hơn đã tạo dựng được “thương hiệu” của mình.

Các trường cần khẳng định thương hiệu

Để khắc phục dần hiện tượng phụ  huynh “đổ xô” cho con đi học trái tuyến ở những trường thuộc “tốp trên”, ngành giáo dục cần đầu tư trang thiết bị cho các trường một cách đồng đều. Các trường tiểu học vùng ven chuyển biến rất rõ, đặc biệt, chất lượng giáo dục ở bậc tiểu học được phát triển toàn diện. Nhiều trường ngoại ô với lợi thế về quỹ đất nên tạo được không gian sư phạm chuẩn mực khi có sân chơi, bãi tập… để các em rèn luyện kỹ năng sống”. Ông Lâm Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, thông tin.

Chất lượng dạy và học của giáo viên ở các trường vùng ven giờ đây khá đồng đều. Bình quân, các trường đều đạt tỷ lệ 1,5 cô/lớp. Thậm chí, nhiều trường ngoại ô còn trẻ hoá đội ngũ để thay đổi chất lượng giáo dục trong thời đại công nghệ số. Tỷ lệ học sinh đạt các giải từ cấp thành phố đến tỉnh đều rải đều ở các trường, trong đó, có nhiều giải cao thuộc về học sinh các trường vùng ven. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng/năm, nhất là ưu tiên cho các trường xuống cấp. Hầu hết, các trường tiểu học trên địa bàn TP. Huế học hai buổi/ngày và các trường đều tổ chức học bán trú, thuận tiện cho phụ huynh trong việc đưa đón.

Mỗi thầy cô giáo cũng cần tự rèn luyện về nghiệp vụ đạo đức và kiến thức sư phạm để dạy tốt hơn. Các trường cần sớm khẳng định thương hiệu qua kết quả giáo dục thực chất để tạo được niềm tin trong Nhân dân, để phụ huynh học sinh tin tưởng giao phó con em họ. Sẽ không khách quan nếu khẳng định tình trạng học trái tuyến không còn xảy ra. Tuy nhiên, trong vòng 4 năm trở lại đây, tình trạng vượt tuyến của học sinh lớp 1 có giảm nhiệt. Một số ít học sinh xin học trái tuyến để phù hợp với nhu cầu đưa đón con của gia đình.

Bài, ảnh: KHÔI NGUYÊN