Thứ Ba, 10/11/2015 15:03

Học trái tuyến- “cuộc đua” của phụ huynh

“Chạy trường” đầu cấp không rầm rộ như mọi năm nhưng vẫn âm ỉ. Nhất là, năm 2018, đồng loạt học sinh được sinh trong năm đẹp cùng chuyển cấp:Nhâm Thìn (rồng vàng) vào lớp 1 và Đinh Hợi (heo vàng) vào lớp 6 với số trẻ tăng cao so với các năm khác.

Xét tuyển tổ hợp môn trái ngành học: “Bất chấp” để tuyển đủ thí sinhNgăn “trái tuyến” từ gốc trong tuyển sinh vào lớp 6Chuyện học trái tuyến

Học sinh cấp tiểu học ở TP. Huế trong giờ học tiếng Anh

Bằng mọi cách

Nhiều phụ huynh có xu hướng cho con vào các trường có “thương hiệu” nên đầu cấp tuyển sinh lúc nào cũng nóng, nhiều trường rơi vào cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Có trường hồ sơ xin nhập học chất thành chồng nhưng có trường lại tuyển không đủ chỉ tiêu. Lựa chọn trường, lớp cho con kể cũng tốt nhưng bằng mọi cách để chọn trường “như ý” lại là một hiện tượng tiêu cực.

Ngay trong tết, không ít phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 đã “nghe ngóng” để kiếm một suất vào “trường điểm”. Lớp 6 lại càng “căng” hơn nên có người đánh tiếng, nhờ cậy từ rất sớm. Ở khối đầu cấp có số học sinh thấp nhất khoảng 120 em/trường và cao nhất không quá 500 em/trường. Đã có lúc, phụ huynh tìm cách nhập hộ khẩu cho con để đường đường, chính chính đến học ngôi trường mà họ cho là tốt. Thế nên, có năm, các trường tiểu học như Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Quang Trung… phải từ chối hàng chục hồ sơ nhập học vì hộ khẩu không hợp lệ. Một phụ huynh thú nhận, mình quá nôn nóng khi nghĩ đến cách nhập hộ khẩu cho con vào nhà người quen, rồi “mua dây buộc mình”, khi những nghi ngờ bủa vây. Có người mất tiền, mất niềm tin cũng chỉ vì khát khao con học trường tốt, có tiền đề thi cử vào các trường chất lượng cao ở các bậc học kế tiếp (?).

Nhu cầu của phụ huynh là điều có thật, song, không ít người chạy theo phong trào, chỉ để con “bằng bạn, bằng bè”. Nhiều người chấp nhận cho con đi học xa, thậm chí lên Huế ở với ông bà, nội, ngoại, cũng chỉ vì chọn được một ngôi trường mà họ cho là chất lượng. Chị Ngọc Minh ở Phú Thượng (Phú Vang)nhận ra, mình sai khi đã có lúc ngược xuôi để xin cho con vào một trường THCS ở TP. Huế, hướng con theo kỳ vọng của mình. Ở độ tuổi mới lớn, không có ba mẹ bên cạnh, con chị cảm thấy đơn độc, thiếu kỹ năng mềm để giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Cô bé trở nên thiếu tự tin, mệt mỏi, chán nản nên tiếp thu bài chậm. Mẹ con chị ở cảnh “tiến thoái, lưỡng nan”, chẳng lẽ giờ lại xin về ngôi trường cho đúng tuyến, phù hợp với năng lực, trình độ của con để học tiếp. (?!).

Giảm nhiệt nhưng vẫn âm ỉ

Văn bản nghiêm cấm chuyện “chạy trường” chạy lớp, học trái tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây hơn 2 năm đã siết chặt tuyển học sinh trái tuyến ở các cấp học. Với tiêu chí, phải có hộ khẩu thường trú mới được học đúng tuyến; có tạm trú từ 3 năm mới được học ở các trường trên địa bàn; ngay cả học sinh ở một số trường vùng ven, trường khó tuyển sinh muốn sang trường lân cận học phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo nên tình trạng học trái tuyến có giảm. Còn nhớ năm học trước, một trường tiểu học trên địa bàn đã từ chối trên 20 bộ hồ sơ “gởi gắm”, “quen biết” vì trường chỉ đủ chỉ tiêu giải quyết cho con em tại địa phương.

Năm nay, nhiều phụ huynh đang dấy lên chuyện cho con học ở các trường có “thương hiệu”. Họ thích con thi vào Trường THCS Nguyễn Tri Phương, mỗi khi đã thi cử thì phải có đầu tư, trường lớp đầu cấp vì thế trở nên quan trọng. Cuộc đua vào  “trường chọn” ở bậc tiểu học vẫn âm ỉ, râm ran trong phụ huynh. Tình trạng học sinh “đầu cấp ở một đàng, hộ khẩu ở một nẻo” không phải là không có. Theo ông Dương Quang Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP. Huế), trường đạt chuẩn quốc gia nên tỷ lệ học sinh không quá 35 em/lớp. Năm học 2018 -2019, trường được phép chiêu sinh mới thêm một lớp 1, giải quyết cho các em ở địa phương, nguyện vọng trái tuyến cũng nhiều, song trường không thể nhận hồ sơ”.

Cơ chế bắt buộc học sinh học đúng tuyến đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh đầu cấp có chất lượng hơn. Đòi hỏi, các trường phải phát huy nội lực, tạo thương hiệu hoặc có cách tuyên truyền, vận động phù hợp để giữ chân học sinh. Bà Phạm Thị Như, có con đang học lớp 8 cho hay: “Tôi muốn con học gần nhà nhưng thực sự không yên tâm khi hoạt động của một ngôi trường quá trầm lắng. Cả trường có khoảng 500 học sinh theo học từ khối 6 đến khối 9 (trong khi chỉ tiêu của khối 6 ở một số trường gần 500 em - PV ). Hơn nữa, tỷ lệ học sinh của trường này thi đậu vào các trường THPT Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ hàng năm rất ít khiến tôi  ngần ngại ”.

Siết chặt tuyển sinh trái tuyến là cần thiết, tuy nhiên, các trường nên linh hoạt, tạo điều kiện cho các em học ở những ngôi trường phù hợp với công việc của bố mẹ. Ý kiến của nhiều phụ huynh cho rằng, sau khi tuyển số học sinh có hộ khẩu tại khu vực được phân tuyến; học sinh có bố (mẹ) có hộ khẩu trong khu vực, nếu còn chỉ tiêu các trường nên giải quyết cho những em không có hộ khẩu nhưng cư trú thực tế trên địa bàn.

Chuyện phụ huynh muốn cho con học tại một số trường “trọng điểm”  trên địa bàn, ở một khía cạnh khác, cũng là yếu tố tích cực để các trường còn lại nhìn nhận, đánh giá, quá trình hoạt động của trường mình,  nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần đầu tư trang thiết bị cho các trường một cách đồng đều. Khi cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên giữa các trường gần như tương đồng thì chắc chắn tình trạng chạy trường, chạy lớp sẽ giảm đáng kể.

Bài, ảnh: Huế Thu

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh
Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh, học sinh

Ngày 25/2, Trường THCS Nguyễn Đăng Thịnh, TP. Huế phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) tổ chức chương trình Ngày hội hướng nghiệp dành cho phụ huynh và học sinh các khối 8,9.

Giữ chữ cho em
Giữ chữ cho em

Thống kê sơ bộ, năm nay, toàn tỉnh có khoảng 30 học sinh nghỉ học sau Tết.