Rộng hơn 22.000 ha, trải dài trên 68km, vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai được ví như “bảo tàng” nước lớn nhất đông Nam Á. 33% dân số Thừa Thiên Huế mưu sinh nhờ vào nguồn lợi vùng đầm phá này.

 

 
 

Ngày 5/6/2020, Khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được Bộ Tài Nguyên & Môi trường công bố thành lập, gồm phân vùng Ô Lâu, phân vùng Cồn Tè - Rú Chá và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản rộng 614 ha thuộc 23 xã, thị trấn thuộc 5 huyện, thị xã của Thừa Thiên Huế.

 

Nằm cuối sông Hương, gần cửa biển Thuận An, rú Chá được xem là “đầu sóng ngọn gió” trong mùa mưa, bão. Đây là một trong số ít khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên cả nước. Nhắc đến Rú Chá, nhiều người lại nhớ đến ông Nguyễn Ngọc Đáp (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, TX. Hương Trà), người dành cả thanh xuân gắn bó với rú.

40 năm trước, ông Đáp xin chính quyền địa phương một mảnh đất ngay giữa vùng rú Chá, vừa để ở, vừa thuận tiện cho công việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Sống ở rú Chá, ông Đáp nhận ra, vào mùa nước nổi, nơi đây là bãi đáp, bãi đẻ của nhiều loài thủy sản, là chốn cư ngụ cho các loài chim di cư.  

Rú Chá là môi trường sống của nhiều loài thủy sản và rong biển quý

 

Sống ở rú Chá, ông Đáp cũng đã đau nỗi đau khi rừng bị chặt phá. Từ hơn 5 ha ban đầu, có thời điểm, diện tích của rú chỉ còn một nửa. Rú mất dần, nhiều loài chim, thủy sản quý hiếm cũng dần biến mất. “Nhắc nhở, can ngăn những người phá rú không được, tui phải đến báo với chính quyền địa phương. Các tay săn bắt chim còn đến tận nhà hù dọa, đòi trả thù. Mất ăn, mất ngủ nhưng cuối cùng, biết cái tâm của tui, rồi bà con cũng hiểu ra: Rú còn thì làng còn, rú tàn thì làng mạt”, ông Đáp trải lòng.

Ngày đầu giữ rú, ông Đáp tự nguyện tham gia làm “kiểm lâm”. Ban đầu, mỗi năm, ông được “trả công” 5 thúng lúa. “Bảo vệ rú, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ nguồn sống cho chính mình và xóm làng”. Nghĩ vậy, sau này ông Đáp tình nguyện giữ rú, không nhận lúa trả công của xã.  

Diện tích rú Chá được bảo vệ và mở rộng tạo nguồn sinh kế cho người dân quanh vùng

 

Cùng chúng tôi dong thuyền trong màu xanh mênh mang của rú Chá, ông Đáp trải lòng về những ngày âm thầm dặm từng cây con xuống những vạt rú bị chặt phá. Bàn tay ông đã bao lần rớm máu để trồng lại từng cây. Thời tiết, thiên tai khắc nghiệt, những cây chá ông Đáp trồng không dễ trụ vững. Cây này chết, ông lại gieo xuống cây khác với hy vọng rừng sẽ phục hồi.

Những cây chá lớn dần, sinh sôi từ bàn tay vun trồng của ông Đáp. Cộng với những mùa hoa trái rụng và được bảo vệ nghiêm ngặt, rú Chá dần sinh sôi, phục hồi.

 

Rú được giữ, nghĩa là môi trường cho các loài thủy sản sinh sôi nảy nở. Người dân không chỉ có cơ hội đánh bắt mà còn dựa vào đó để phát triển các nghề liên quan đến đầm phá.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức cho hay, Rú Chá được bảo vệ, nguồn tôm cá sinh sôi. Nhiều hộ dân quanh rú Chá nhờ đánh bắt kết hợp nuôi trồng thủy sản đã ổn định cuộc sống, không ít hộ vươn lên khá giả, làm giàu. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu về trên dưới 20 tỷ đồng từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Con em ngư dân được ăn học, đỗ đạt là nhờ đầm phá. Sau nhiều năm phấn đấu, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cũng chính nhờ vào kinh tế đầm phá.  

Rú Chá là câu chuyện điển hình về một điểm đất ngập mặn được chính người dân giữ gìn phát triển. Để bảo vệ nguồn lợi lâu dài và đa dạng sinh học vùng đất ngập nước Tam Giang-Cầu Hai, nhiều năm qua, 25 khu bảo vệ thủy sản nghiêm ngặt đã được tỉnh thành lập.

Tại đây, các vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm đánh bắt bằng phương tiện hủy diệt. Nguồn lợi cũng được bổ sung, tái tạo.

Thu nò sáo trên phá Tam Giang

Từ bao đời nay, người dân các thôn Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh, Cư Lạc… thuộc xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) đã chọn vùng đất ven phá để định cư. Bao phận người đã gắn bó với vùng sông nước này dẫu cho thăng trầm, biến thiên, bão, lũ…

Ông Phan Văn Ty, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh trải lòng: Đời sống người dân Ngư Mỹ Thạnh nói riêng và các thôn Hà Công, Cư Lạc… nói chung xưa nay đều phụ thuộc vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Từ khi thành lập các khu bảo vệ, ý thức người dân được nâng lên.

Rộng gần 367 ha, Đập Làng-Ghành Lăng là một trong những khu bảo vệ thủy sản được thành lập cách đây nhiều năm trên khu vực đầm Cầu Hai thuộc huyện Phú Lộc với 58 ha vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là khu vực mưu sinh của hơn 105 hộ dân xã Lộc Bình và ngư dân các vùng lân cận. Hàng ngày, vào lúc 3h sáng, phiên chợ nổi ven phá lại tấp nập tôm cá.

Tận dụng lợi thế mặt nước đầm phá, người dân Lộc Bình (Phú Lộc) nuôi khoảng 500 lồng cá các loại, trong đó có cá đặc sản trọng lượng lớn. “Chỉ có vùng nước này mới nuôi được cá mú nghệ loại 50-70kg/con. Mỗi khi thu hoạch, tầm chục trai tráng lực lưỡng hỗ trợ, cả làng tới xem, các nhà hàng ngoại tỉnh hoặc dân ăn sành sỏi tìm tới mua với giá cao”, một lão ngư vùng này tự hào.

 

Nuôi cá mú nghệ trọng lượng lớn ở Lộc Bình (Phú Lộc)
 

Bên kia đầm phá Lộc Bình là xã Vinh Hiền với hai khu bảo vệ thủy sản Hà Nã và cồn Chìm lên đến hơn 226 ha. Phân khu phục hồi sinh thái ở đây rộng 687,52 ha đã nằm trong định hướng mở rộng phạm vi và diện tích bảo tồn đất ngập nước giai đoạn 2023-2025.

Trong câu chuyện đời nghề với những lão ngư sống chết với đầm phá, đầm phá là nơi chở che, nuôi dưỡng cho thế này đến thế hệ khác, cả công việc kế nghiệp bám mặt đầm theo đuôi con nước.  

Ông Lê Thiết, hội viên Chi hội nghề cá Vinh Hiền cho hay, Hà Nã có nguồn rong dồi dào còn Cồn Chìm là nơi trú ngụ, bãi đẻ của các loài thủy sản, đem lại nguồn lợi lớn cho ngư dân. Chỉ riêng việc thu con con giống bằng nghề đáy vùng gần cửa biển đã cho thu nhập vài chục triệu đồng một mùa. Đây cũng là nguồn giống tái sinh nguồn lợi thủy sản cho các vùng lân cận.

Hà Nã - Cồn Chìm trở thành nơi mưu sinh của người dân Vinh Hiền và các xã lân cận​

 

“Dù vùng mặt nước Cồn Chìm do xã Vinh Hiền quản lý về mặt địa giới hành chính nhưng người dân các vùng ven phá (Lộc Điền, Lộc Trì, Giang Hải, Lộc Bình...) lại đến đây khai thác nguồn lợi vì quan niệm dân gian “đầm là đầm chung”. Ông Hồ Sửu, Chánh Văn phòng UBND xã Vinh Hiền dí dỏm, khi nhắc đến “di sản chung” mà tạo hóa đã ban tặng cho trên 30% dân số Thừa Thiên Huế-chủ nhân của kho báu - là vùng đất ngập nước rộng lớn nhất Đông Nam Á mang tên Tam Giang-Cầu Hai.

Chợ đặc sản đầm phá với các loài cá ong, cá nâu, cá dìa, cá kình, tôm sú... 
 

Về hiệu quả từ khi thành lập các khu bảo vệ thủy sản, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Võ Giang cho rằng, thành lập các khu bảo vệ là điều tất yếu trước yêu cầu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học vùng đất ngập nước rộng lớn ở Thừa Thiên Huế. Từ khi được thành lập, các khu bảo vẹ thủy sản được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Nguồn lợi ngày càng sinh sôi, dồi dào. Đời sống, thu nhập ngư dân ổn định.