Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 2/10 bày tỏ lấy làm tiếc những nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân của thế giới thiếu tiến triển và thậm chí có nguy cơ bị đẩy lùi lại.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Phát biểu của ông được đưa ra tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm và thúc đẩy ngày quốc tế về loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trong ngày cuối cùng của Tuần kễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 75.
Giải trừ vũ khí hạt nhân đã luôn là ưu tiên của Liên hợp quốc ngay từ khi tổ chức đa phương này mới thành lập, nhất là sau thảm họa hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản).
Thế nhưng 75 năm qua, thế giới vẫn tiếp tục phải sống nơm nớp trong nỗi lo thảm họa hạt nhân có thể xảy ra chỉ bởi lẽ một số nước vẫn coi vũ khí hạt nhân là con bài để đảm bảo cho an ninh cho chính nước họ.
Nhiều chương trình hiện đại hóa kho vũ khí của các quốc gia đang đe dọa sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân nhằm sở hữu những vũ khí nhanh hơn, tàng hình hơn và chính xác hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng chi phí cơ hội khi chi những khoản tài chính khổng lồ cho việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân như vậy thực sự rất lớn và vô nghĩa.
Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân có tầm quan trọng sống còn không chỉ đối với một quốc gia đơn lẻ mà đó là vì sự sống của cả hành tinh loài người.
Tuy nhiên, những căng thẳng và sự mất lòng tin ngày càng gia tăng giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã khiến thế giới đang đối mặt với hiểm họa hạt nhân ngày càng lớn.
Hiệp ước cắt giảm vũ khí duy nhất có thể kiểm soát được quy mô các kho vũ khí hạt nhân của thế giới, gọi tắt là hiệp ước START mới, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021 và như vậy, nguy cơ thế giới quay trở lại cuộc chạy đua chiến lược không có kiểm soát là rất cao.
Đó chính là lý do vì sao Liên hợp quốc hối thúc các cường quốc hạt nhân như Nga và Mỹ cần gia hạn hiệp ước START mới ngay lập tức vì hòa bình và an ninh quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+