Sáng 7/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ có buổi tiếp, làm việc với đại diện Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây cùng các đối tác nhằm thống nhất một số nội dung xúc tiến dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Tại buổi làm việc
Dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có tổng công suất thiết kế 4.000 MW, với tổng mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD. Dự tính, khi đi vào hoạt động, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình 24 – 25 tỷ kWh. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều đột phá cho ngành năng lượng trong nước, thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm sau thời kỳ dịch COVID-19.
Ông Trần Sĩ Chương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chân Mây LNG nhấn mạnh, qua các buổi làm việc, các bộ ngành đánh giá dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây là một dự án đặc thù, tiêu biểu của miền Trung, dự án không những phát triển điện miền Trung mà còn mở đường xây dựng khung chính sách cho đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào các công trình hạ tầng, năng lượng ở Việt Nam.
“Hiện công ty đã huy động đủ tài chính, công nghệ, khí và các nguồn lực cần thiết để sẵn sàng đầu tư vào việc thiết kế xây dựng nhà máy. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, các đối tác để tiếp tục triển khai một số công việc trong thời gian tới nhằm sớm xây dựng nhà máy tại Huế” - ông Trần Sĩ Chương nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực môi trường nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Đồng thời đánh giá cao tính khả thi của dự án, nhất là các đối tác của dự án máy điện khí LNG Chân Mây, đây là những đối tác rất mạnh, có kinh nghiệm trong thực hiện các dự án điện khí. Các đối tác đã nghiên cứu rất kỹ, nghiêm túc, trong đó có cả chuyên gia đánh giá tác động môi trường của dự án.
Mặc dầu đã có những bước tiến quan trọng trong việc xúc tiến dự án, tuy nhiên đến nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài dự án chính này, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các đối tác nước ngoài tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào Thừa Thiên Huế trên các lĩnh vực thế mạnh khác như cảng biển, logistic trong bối cảnh chuyển dịch đầu tư, nhằm giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.
Tin, ảnh: Thái Bình