Từ ngày 21 đến 25/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ thiết kế dự án “Bảo tồn phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công”. Địa điểm tổ chức lấy ý kiến tại cửa Thể Nhơn, thông qua phiếu đóng góp ý kiến.
Phương án thiết kế phục hồi nhà Cửu vị thần công
Dự án “Bảo tồn phục hồi thích nghi hai nhà Cửu vị thần công” tại khu vực cửa Thể Nhơn do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tu bổ di tích Huế tư vấn lập dự án, được thực hiện trong 3 năm.
Công trình được phục hồi theo hình thức kiến trúc truyền thống 5 gian, 2 chái, gồm: Bộ khung gỗ, sơn bảo quản toàn bộ hệ khung gỗ, phục hồi mái lợp ngói liệt không men, hệ thống bờ mái không có trang trí, phục hồi hệ thống tường bao 4 góc công trình và cửa vòm bán nguyệt, nền lát gạch vồ hình chữ Công. Đồng thời, vệ sinh, bảo quản Cửu vị thần công và bệ đỡ; thay thế lan can gỗ bằng lan can kính cường lực bảo vệ xung quanh súng thần công; trình chiếu diễn giải thông tin lịch sử; lắp đặt điện chiếu sáng, bố trí hệ thống báo cháy tự động và các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại công trình.
Theo ảnh tư liệu lịch sử, nhà Cửu vị thần công (còn gọi là Tả - Hữu pháo xưởng) là 2 công trình di tích bằng gỗ, mái lợp ngói liệt, được sử dụng để bảo vệ cho 9 khẩu đại bác bằng đồng. Đây là nơi dừng chân của các đoàn khách du lịch mỗi lần ghé thăm Huế. Việc đầu tư bảo tồn, phục hồi thích nghi 2 nhà Cửu vị thần công nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc vốn có của công trình, góp phần quan trọng trong mục tiêu hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc – cảnh quan – văn hóa nghệ thuật của khu vực Kỳ đài – Ngọ Môn, từng bước hoàn chỉnh bức tranh quy hoạch tổng thể của một kinh đô triều đại nhà Nguyễn.
Minh Hiền