Mua bán trực truyến trên các sàn thương mại điện tử được hưởng lợi trong bối cảnh nhiều cửa hàng phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Ảnh: The Nation/NLD
Cụ thể, doanh số bán hàng trực tuyến chiếm 19% tổng doanh số bán lẻ trong năm 2020, tăng từ mức 16% một năm trước đó, theo ước tính của Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dựa trên dữ liệu từ các văn phòng thống kê quốc gia ở các nền kinh tế lớn.
Doanh số bán hàng trực tuyến đạt thị phần cao nhất ở Hàn Quốc với mức 25,9%, tăng từ 20,8% của năm 2019. Thị phần trực tuyến ở Trung Quốc chiếm 24,9%, ở Anh là 23,3% và Mỹ là 14,0%.
UNCTAD cho biết, doanh số thương mại điện tử toàn cầu đã tăng 4% lên 26,7 nghìn tỷ USD vào năm 2019. Con số này bao gồm doanh số giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh số giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), tương đương với 30% sản lượng kinh tế toàn cầu trong năm đó.
Theo báo cáo, đại dịch đã dẫn đến cơ hội bất ngờ cho các công ty thương mại điện tử B2C hàng đầu vào năm 2020.
Dữ liệu của 13 công ty thương mại điện tử hàng đầu thế giới, trong đó có 11 công ty đến từ Mỹ và Trung Quốc, cho thấy sự đảo ngược đáng chú ý đối với các công ty nền tảng cung cấp các dịch vụ như gọi xe và du lịch, vốn đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh về tổng khối lượng hàng hóa (GMV). Chẳng hạn như Expedia, một công ty du lịch trực tuyến nổi tiếng toàn cầu, đã giảm từ vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng năm 2019 xuống thứ 11 năm 2020, hay Booking Holdings cũng tụt từ vị trí thứ 6 xuống thứ 12, trong khi sàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng tính theo tổng khối lượng hàng hóa, tiếp đến là Amazon của Mỹ.
Bất chấp sự sụt giảm của các công ty dịch vụ, tổng GMV của 13 công ty thương mại điện tử B2C hàng đầu đã tăng 20,5% lên 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2020, cao hơn mức tăng 17,9% trong năm 2019.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)