Thứ Năm, 09/01/2020 07:45

Giữ “lửa” các môn thể thao dân tộc

Không quá sôi động như các môn thể thao thành tích cao, nhưng các môn thể thao dân tộc đang tạo được nét riêng qua việc gìn giữ, phát huy và luôn hấp dẫn ngay trên “sàn đấu”.

Bảo tồn, phát huy thể thao truyền thống từ cộng đồngA Lưới: Sổi nổi “Ngày hội văn hóa thể thao thanh niên dân tộc thiểu số”A Lưới chiếm ưu thế tại hội thi thể thao dân tộc

Thi đấu môn đẩy gậy

Luôn hấp dẫn

Tại ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” năm 2022, một lần nữa nhiều người lại được chứng kiến sức hấp dẫn của hội thi thể thao dân tộc. Từ môn bắn nỏ, đẩy gậy đến kéo co, sức nóng không chỉ trên sân đấu của các vận động viên (VĐV) mà còn ở sự cổ vũ của đông đảo khán giả. Nguyễn Thiện Đức, một cổ động viên trung lập của các đội chia sẻ: “Tinh thần máu lửa và nét riêng của các môn thể thao dân tộc khiến mình bị cuốn hút”.

Thể thao dân tộc không xuất hiện “dày” như các giải thể thao thành tích cao, nhưng lại không thể thiếu trong các ngày hội giao lưu văn hóa thể thao, các kỳ đại hội thể dục thể thao (TDTT). Mỗi lần tổ chức, có hàng trăm, hàng ngàn người đến xem. Còn nhớ năm 2019, trong ngày hội giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc thiểu số 5 tỉnh vùng biên giới Việt Nam - Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại A Lưới, các môn thể thao: bóng chuyền, đẩy gậy, bắn nỏ và kéo co đã thu hút gần 300 VĐV các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (hai huyện A Lưới, Nam Đông). Đáng chú ý, dù hết mình cổ vũ cho “gà nhà” nhưng khi đối thủ thua trận, họ vẫn dành những tràng pháo tay cùng những lời động viên nhiệt thành. Và, giải kết thúc với thành công không chỉ tinh thần fair play giữa các đoàn, mà còn fair play giữa những người cổ vũ.

VĐV ở A Lưới thi đấu môn bắn nỏ

Sự duy trì tập luyện là yếu tố quan trọng tạo nên thành công cho các môn thể thao quần chúng này. Tại các địa phương hai huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới, phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc khá tích cực. Trước hội thi các môn thể thao truyền thống, các đội thi dành nhiều tuần để tập luyện và tổ chức các giải thi đấu ở thôn, bản để cọ xát. Hồ Thị Tường, một nữ VĐV thi đấu môn bắn nỏ tại A Lưới chia sẻ: “Phải hăng say tập luyện thì mới đạt hiệu quả khi thi đấu. Bắn nỏ là môn thể thao cần tâm lý bình tĩnh, quan trọng nhất là lúc lẫy cò, phải tập trung, nín thở, ngắm chuẩn xác và chắc tay. Đặt mình vào giải đấu nên tập luyện cũng căng thẳng và hấp dẫn như khi thi đấu”.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới đánh giá, cùng với các môn thể thao hiện đại, người dân đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn gìn giữ và làm sôi động cho các môn thể thao dân tộc qua phong trào tập luyện đến thi đấu, với số lượng các VĐV góp mặt tại các giải không hề ít. Điển hình như giải kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy trong khuôn khổ Đại hội TDTT huyện lần thứ IX năm 2021 - 2022, có đến 331 VĐV nam, nữ của 15 đơn vị tham gia.

Giữ “lửa” và phát huy

Ngược dòng quá khứ, bắt nguồn từ đời sống, với lịch sử phát triển và cả những triết lý dân gian của các dân tộc vùng cao, nhiều trò chơi, sinh hoạt đời sống, sản xuất đã hình thành, phát triển từng bước thành những môn thể thao hấp dẫn, phù hợp với điều kiện từng nơi, mà đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ cũng nằm trong số ấy. Đời sống phát triển, thể thao có cơ hội được đầu tư, việc bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần mà còn phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

VĐV ở A Lưới thi đấu môn kéo co

Thực tế, các môn thể thao dân tộc không còn là câu chuyện riêng của mỗi cộng đồng, mà đã được luật hóa. Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 có quy định về các môn thể thao dân tộc, theo đó Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số.

Với những chủ trương, cơ chế, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, thể thao dân tộc đang được đầu tư đúng hướng. Bằng chứng tại huyện vùng cao A Lưới, bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các sân tập TDTT từ cấp thôn, bản, các địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ để các đội, câu lạc bộ thể thao dân tộc ra đời và duy trì hoạt động, tích cực luyện tập và giao lưu thi đấu, đã tạo nên phong trào TDTT sôi động.

Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng phòng Quản lý TDTT (Sở Văn hóa và Thể thao) chia sẻ, cùng với các huyện đưa các môn thể thao dân tộc vào thi đấu tại các kỳ Đại hội, ngành văn hóa - thể thao tỉnh cũng luôn tổ chức các môn thể thao dân tộc tại “sân chơi” thể thao lớn nhất tỉnh 4 năm/lần (Đại hội TDTT tỉnh). Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho các đơn vị, VĐV tham gia các giải khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời duy trì và đầu tư hội thi TDTT các môn thể thao dân tộc trong các ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức 2 năm một lần.

Ngoài gìn giữ và phát triển các giải đấu, ngành thể thao cũng nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa, tài trợ cho các hoạt động thể thao truyền thống nhằm “giữ lửa” cho phong trào phát triển các môn thể thao truyền thống.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Australia chi 5 tỷ USD xây dựng và tân trang các địa điểm tổ chức Olympic Brisbane 2032
Australia chi 5 tỷ USD xây dựng và tân trang các địa điểm tổ chức Olympic Brisbane 2032

Chính phủ Liên bang Australia và chính quyền bang Queensland hôm nay (17/2) thông báo sẽ chi tổng cộng 7,1 tỷ AUD (4,9 tỷ USD) để xây dựng các địa điểm mới và tân trang lại những địa điểm hiện có ở nước này trước năm 2023 để chuẩn bị cho Thế vận hội (Olympic) mùa Hè tại thành phố Brisbane, bang Queensland.

Những cô gái vàng của thể thao Huế
Những cô gái vàng của thể thao Huế

Hai trong 3 tấm Huy chương Vàng (HCV) tại SEA Games 31 thuộc về các cô gái. Chưa trọn với giấc mơ vàng ở SEA Games, nữ cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi đã có sự phục thù ngọt ngào với cú đúp HCV tại Giải Bắn cung Singapore mở rộng 2022.