Chủ Nhật, 09/06/2019 13:30

Chọc mũi & chọc tim

Tôi vừa có dịp “đi thực tế” để biết bệnh viện thời COVID-19 ra sao.

Xơ phổi hậu COVID-19Biến thể Omicron gần như “không gây bệnh nghiêm trọng” bằng Delta

Trong phòng điều trị

Mấy năm qua, tôi đã 2 lần dính “tim mạch” rồi. Lần đầu, đang ngồi viết, bỗng dưng mù mắt 100% trong khoảng mươi phút. Cấp cứu mới biết do “động mạch cảnh” bị xơ vữa bám. Lần 2, đang nằm, bỗng cảm thấy giường rung như động đất. Lại cấp cứu - thì ra bị “rung nhĩ cấp”. Do người khỏe lại nhanh chóng, làm việc như thường, nên không chụp “động mạch vành” -  cũng “nghe đồn” kiểu chụp phải… chọc tận tim này khá nguy hiểm nên hơi bị… sợ.

Nay thì điều đáng đến phải đến. Cảm thấy tim “lộn xộn”, 1 bác sĩ quen biết khuyến cáo phải vô khoa tim mạch ngay, nếu không có thể chết bất kỳ lúc nào! Vậy nên dù ngại chọc tim nguy hiểm, ngại vô bệnh viện mùa dịch COVID-19, cũng phải đi. Nay ra viện bình an, kể đôi điều để các bạn tham khảo khi cần.

Quả là “đường vô viện mùa này cực lắm!”. Trời lại mưa rét. Vô cửa quen đường Ngô Quyền bị chặn, phải vòng cổng vườn hoa để “khám sàng lọc”. Lấy phiếu, ngồi đợi đúng khoảng cách, rồi khai báo, rồi “chọc mũi” test nhanh. Lần đầu tôi bị “chọc mũi”, khó chịu, đưa tay suýt gạt tay cô em y tế chắc là xinh đẹp! (thì cô nào cũng bịt kín tất cả, nhưng nghe giọng nhẹ nhàng thì chắc là đẹp! Không đẹp người thì cũng đẹp nết). Qua được một cửa, ngồi đợi kết quả, đúng khoảng cách (người nhà thì được gần nhau!) tôi may có đứa cháu ngoại nhanh nhẹn, tháp tùng; lại có điện thoại “thông minh” giúp chụp ảnh, khai báo, chứ ông già dùng điện thoại “cùi bắp” thì còn mệt hơn. Có kết quả âm tính, được gọi tên, phát phiếu kèm 1 “huy hiệu” dán vô áo rồi theo lối hẹp, qua thêm một cửa khai báo, mới lọt vô đường dẫn tới các khoa.

Biết tôi có triệu chứng ở động mạch vành, TS. BS. H.A.B cho vô Phòng Cấp cứu Khoa Tim mạch. Đo huyết áp, siêu âm tim, lại phải “chọc mũi” test lần nữa làm PCR, được đeo một vòng giấy nhựa nơi cổ tay ghi rõ tên tuổi…; chờ đến chiều có kết quả bảo đảm “âm tính” thật sự; lúc ấy mới được xếp vô phía trong, tại phòng 111, giường số 27.

Ở các vòng ngoài, thấy bệnh nhân ít, chắc vì ngại dịch, nhưng Khoa Tim mạch thì hầu như kín phòng. Cái bệnh tim có thể cướp sinh mạng trong giây lát, nên không ai dám chờ hết dịch. Và Bệnh viện Trung ương Huế là nơi điều trị bệnh tim có “thương hiệu”, nên hầu như cả miền Trung dồn về đây. Phòng tôi nằm có 3 bệnh nhân. Một người quê Phú Yên, vừa “chọc tim” đặt stent xong, sắp ra viện. Một bà lão quê Đồng Hới, vô đặt máy trợ tim. Giường tôi nằm, một giờ trước là của bà lão 86 tuổi, quê Quảng Trị, cũng đặt máy trợ tim, nghe kể lúc mới vô, mệt sắp chết ngất. Bệnh nhân ngoại tỉnh, để có thể “lọt” vô nằm trong khoa, đã phải qua nhiều “cửa” kiểm tra, tầm soát dịch từ khi lên xe, đến các địa giới rất chặt chẽ…

Giờ xin kể chuyện… chọc tim. Nghe qua thì… dễ sợ, nhưng hóa ra khá nhẹ nhàng. Trước hết là phải ký giấy cam kết (tức là bệnh nhân tự nguyện, để lỡ ra có “sự cố”…) và nạp ứng tiền chụp động mạch 2 triệu đồng. Đến giờ hẹn, điều hơi bất ngờ là phải thoát y 100%, mời nằm lên xe đẩy vào phòng máy. Cũng có tấm vải che tạm, nhưng kể cũng hơi “dị” trước người lạ khác giới.

Sau khi tiêm thuốc “cản quang”, bác sĩ bắt đầu “chọc tim” chỉ cảm thấy mũi kim chích vô cổ tay phải, không đau chi lắm. Nằm ngửa dưới cỗ máy có cảm tưởng khá nặng nề, hơi ngợp khi cái khung to như cái tivi 19 inch triềng qua triềng lại trước ngực mình nhiều lần. Cũng hơi lạ là hầu như không cảm thấy đau hay khó chịu trong khi bác sĩ thực ra đang “chọc tận tim” mình. Ra viện rồi, có “duyên” liên hệ với bác sĩ B.Đ.P. - một chuyên gia tim mạch hàng đầu Việt Nam - mới hiểu tỉ mỉ quy trình rất chi là không đơn giản và tinh tế này. “Sau khi chọc kim ở cổ tay, người ta luồn dây dẫn đường (gọi là guidewire) vào “động mạch quay”, đến “động mạch chủ”, rồi tìm 2 lỗ động mạch vành tại quả tim, luồn vào động mạch vành. Nhờ đó người ta luồn ống thông qua guidewire để đi đến động mạch vành bị hẹp…”.

Đến đây, khi đã xác định động mạch bị hẹp cần phải can thiệp (như của tôi là hẹp 80% - từ gần 4mm chỉ còn chưa đến 1mm), bác sĩ hỏi bệnh nhân (và người nhà) có đồng ý đặt stent không? Nếu "ok" thì người nhà chuẩn bị tiền để nạp (tùy bảo hiểm y tế chi trả bao nhiêu – Như tôi, phải nạp 20 triệu đồng; nhưng bác sĩ vui vẻ bảo: “Bác bảo hiểm 100% thì bảo hiểm thanh toán hầu hết, khỏi lo”…).

Trong khi đứa cháu ở ngoài phòng máy gọi điện về nhà bảo chuẩn bị đưa tiền vào nạp, bác sĩ “bơm bóng ở đầu ống thông lên để nong chỗ hẹp, rồi thay ống thông khác có stent (khung đỡ kim loại) kèm bóng, đưa đến chỗ hẹp vừa được nong, dùng bóng để nong stent bung ra nằm gọn trong lòng động mạch vành, xả bóng và rút ống thông. Như vậy, stent sẽ giữ cho lòng mạch không bị hẹp lại”. Thời gian gần đây, stent còn được phủ thuốc giúp chống đông máu…

Thế là xong việc “chọc tim”! Bác sĩ nghiêng màn hình cho tôi xem những mạch máu trong quả tim của mình. Ra khỏi phòng máy, nằm yên một lúc phòng “sự cố”. Các bác sĩ vội ăn bữa trưa vì còn phải ra làm việc tại Bệnh viện Cơ sở 2 ngoài Phong Điền. Tôi được đẩy trở lại phòng bệnh để mặc quần áo…

Bình an, ra viện, không dính COVID-19, mặc dù mấy ngày trong Bệnh viện Trung ương Huế phải vào-ra nhiều phòng xét nghiệm, tiếp xúc không biết bao nhiêu người; và nay lại có thể “chọc” máy tính viết những dòng này, để ít ra giúp bạn đọc hiểu thêm quá trình khơi thông “động mạch vành” là như thế nào? Cũng không có chi nguy hiểm khi có máy hiện đại và bác sĩ giỏi; tiền cũng không tốn bao nhiêu, nếu bạn có bảo hiểm y tế. Và điều quan trọng hơn: nếu bạn thấy tim có dấu hiệu bất ổn (hơi đau, nhịp tim nhanh chậm bất thường ..) và mỡ máu (lượng cholesterol) cao thì nên gặp bác sĩ thăm khám để chụp động mạch vành. Vì tắc động mạch vành là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim gây ra đột tử.

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Phê

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.