Chủ Nhật, 21/01/2018 06:30

Tiêm chủng, đừng vì nỗi lo nhỏ mà bỏ qua lợi ích lớn

Khi cả thế giới đang quay cuồng chống lại đại dịch COVID-19 và chạy đua với việc tìm vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2, mới thấy những loại bệnh đã có vaccine dự phòng đáng quý như thế nào. Mỗi người, đừng vì chủ quan hoặc nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề này mà khiến người thân gặp nguy hiểm trước các loại bệnh truyền nhiễm, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Dự phòng bệnh bạch hầu, tốt nhất là tiêm chủngDuy trì tiêm chủng thường xuyên để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh

Tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ con trước bệnh tật

Vaccine – tấm khiên bảo vệ con

Cuối tuần tụ họp, nói lui nói tới, cuối cùng mấy người con của bà Lê Thị Liên (thị xã Hương Thủy) lại quay về mấy ổ dịch bạch hầu ở Tây Nguyên. Tây Nguyên xa Huế, nhưng có vẻ như nỗi lo của những người con bà Liên lại rất gần. Bởi lẽ, nhà nào cũng có con nhỏ và mọi người bắt đầu bàn tán sôi nổi đến chuyện tiêm mũi đi và mũi nhắc lại cho bọn trẻ. Trong số các loại bệnh được nhắc đến, có cả loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, có loại ba mẹ phải bỏ kinh phí ra mua. Nhưng có vẻ như, sau khi trải qua mấy tháng trời giữ con khỏi COVID-19 và nỗi lo ấy giờ vẫn thường trực, thì việc có thể bỏ tiền để tiêm phòng bảo vệ con trước bệnh tật đã là sự may mắn rất lớn của mỗi người làm cha làm mẹ.

Là một người mẹ, bản thân tôi cũng đã rất lo lắng, thậm chí là hoang mang khi thời điểm con mình đến tháng phải được tiêm phòng, đâu đó vẫn xuất hiện thông tin có trẻ này trẻ khác gặp sự cố sau khi tiêm phòng. Nhưng rồi sự hoang mang ấy đã được củng cố bằng niềm tin đối với lợi ích của vaccine và việc tiêm chủng khi gặp câu chuyện của một chuyên gia y tế về vấn đề này.

“Bao giờ chúng ta có thể đưa một em bé sơ sinh qua nhà hàng xóm chơi?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi. Có rất nhiều đáp án được đưa ra, như: khi em bé đã có thể ngồi dựa vào người lớn; khi thời tiết đẹp; khi em bé khỏe mạnh; khi xung quanh không có người bị ốm… Nhưng vị chuyên gia chỉ ngắn gọn: “Ấy là khi em bé đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine đúng theo độ tuổi”. Điều đó cho thấy, vaccine có ý nghĩa dự phòng bảo vệ sức khỏe với mỗi trẻ nhỏ như thế nào.

Lợi ích lớn

Bản chất việc tiêm chủng là sử dụng vaccine để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Không giống như các can thiệp y tế khác, vaccine giúp cho dự phòng, bảo vệ sức khỏe. Đến nay, đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh. Vaccine và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại.

Vài năm trở lại đây, một phần quá lo lắng từ một số trẻ gặp dị ứng với thành phần của thuốc sau tiêm chủng, không ít người lo ngại đối với vaccine nên không cho trẻ tiêm vaccine. Điều này rất nguy hiểm, sẽ khiến cho nhiều trẻ bị virus tấn công vì không được tiêm chủng dự phòng. Dịch bệnh bạch hầu đang bùng phát tại khu vực Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh là một trong những minh chứng cụ thể, khi điều tra dịch tễ của Cục Y tế dự phòng cho thấy, đa phần bệnh nhân không được tiêm vaccine.

Tại địa bàn Thừa Thiên Huế, nhờ tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 97%, nên nhiều bệnh truyền nhiễm đã được khống chế, không bùng phát thành dịch. Riêng với bạch hầu, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh. Ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh: Bệnh bạch hầu rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và chỉ có thể dự phòng tốt nhất bằng cách tiêm vaccin đầy đủ. Nếu trẻ được tiêm phòng đầy đủ thì không có vấn đề gì phải lo lắng.

Hiện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế đang duy trì một nhóm zalo để kịp thời hỗ trợ thông tin, tư vấn về lịch tiêm và các loại vaccine cần thiết cho trẻ. Các bậc phụ huy có thể kết nối qua địa chỉ: https://zalo.me/g/cqisgq630 để được hỗ trợ một cách cụ thể.

Biết rằng, mỗi loại bệnh có một yếu tố dịch tễ khác nhau nhưng may mắn tất cả lại chung một điểm là có thể được kiểm soát bởi hành vi của con người bằng cách sử dụng vaccine để phòng bệnh. Do đó, việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, mà còn là trách nhiệm của chúng ta với cộng đồng.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine
Dịch cúm gia cầm điều hướng thế giới mở rộng kế hoạch tiêm chủng vaccine

Tính từ năm 2015, Nông dân chăn nuôi vịt người Pháp Herve Dupouy đã 4 lần phải tiêu hủy đàn vịt của mình để ngăn chặn sự lây lan của dịch cúm gia cầm. Dù vậy, khi đợt dịch một lần nữa bùng phát trong trang trại của ông, người nông dân Pháp Herve Dupouy khẳng định, đã đến lúc phải chấp nhận giải pháp tiêm chủng cho gia cầm.

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.