Thứ Năm, 30/04/2020 09:39

Chủ tịch COP27 cảnh báo trở ngại với mục tiêu hạn chế ấm lên toàn cầu

Thỏa thuận đạt được tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm ngoái đã bị lu mờ bởi những sự kiện gần đây, khiến cho việc đi tới một thỏa thuận khí hậu ở COP27 “trở nên mong manh hơn.”

COP27 sẽ có sự tham dự của khoảng 90 nguyên thủ quốc giaTổng Thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi giải quyết tổn thất do biến đổi khí hậuNigeria: Hơn 600 người tử vong, hơn 80.000 ngôi nhà bị phá hủy do lũCác quần thể động vật hoang dã toàn cầu giảm 69% kể từ năm 1970Gió mùa ở Nam Á đang trở nên khắc nghiệt hơn

Một cánh đồng đậu tương khô héo do nắng nóng kéo dài tại Sozzago, Italy ngày 11/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong bài trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry - Chủ tịch được chỉ định của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) - cảnh báo rằng mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang trở nên “mong manh hơn.”

Ông Sameh Shoukry cho rằng việc tạo dựng thỏa thuận khí hậu tại Hội nghị COP27 ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập trong tháng tới sẽ gặp trở ngại hơn bất kỳ cuộc đàm phán nào trước đây, do nền kinh tế toàn cầu đang bị "chấn động" do căng thẳng địa chính trị liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo ông Sameh Shoukry, thỏa thuận đạt được tại COP26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm ngoái đã bị lu mờ bởi những sự kiện gần đây, khiến cho việc đi tới một thỏa thuận khí hậu ở COP27 “trở nên mong manh hơn.”

Bối cảnh của COP27 đang khá khó khăn so với các sự kiện COP tại Paris hoặc ở Glasgow về thách thức và tác động kinh tế cũng như vấn đề địa chính trị.

Tuy nhiên, ông khẳng định là nước chủ nhà COP27, Ai Cập "luôn giữ hy vọng và sự tập trung, đồng thời cố gắng tách tiến trình đàm phán khí hậu khỏi một số vấn đề bên ngoài” không liên quan tới biến đổi khí hậu.

Ông Shoukry cảnh báo rằng các nước giàu đang đánh mất lòng tin của thế giới đang phát triển vì họ đang tụt hậu trong các cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và cung cấp tài chính khí hậu cho các nước nghèo.

Nhà ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh thêm nếu các quốc gia lùi bước hoặc đi chệch hướng so với những cam kết nỗ lực duy trì các thỏa thuận và hiểu biết đã đạt được ở Paris và ở Glasgow, thì thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức trên 2 độ C và có thể lên đến 3,6 độ C, theo những dự báo khoa học gần đây.

Ông Shoukry nhấn mạnh đây là những mâu thuẫn mà thế giới phải nghiêm túc giải quyết.

Một số quốc gia giàu có, bao gồm Anh, Mỹ và các nước thành viên EU, đã gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt toàn cầu tăng vọt.

Theo ông Shoukry, việc này đi ngược lại các mục đích trước đây và đặt thế giới vào tình thế nguy hiểm.

Ông cho rằng các nước giàu cần phải làm gương trong quá trình chuyển đổi giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Ngoại trưởng Ai Cập nhấn mạnh "khuyến khích tất cả các bên kiềm chế đi thụt lùi vì phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.”

Các cuộc đàm phán tại COP26 năm ngoái ở Glasgow đã kết thúc với việc các quốc gia cam kết hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, dựa trên các đánh giá khoa học toàn diện cho rằng nếu vượt quá mức này, các tác động của khủng hoảng khí hậu sẽ trở nên thảm khốc hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không đặt ra được các mục tiêu về cắt giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với giới hạn 1,5 độ C ở Glasgow, hoặc đưa ra các chính sách cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu này.

Ông Shoukry cho biết việc các nước phát triển không đạt được mục tiêu giảm phát thải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Ông kêu gọi cần phải duy trì động lực được tạo ra ở Paris và Glasgow bằng cách xây dựng niềm tin nhằm đạt được tiến bộ trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông cho rằng niềm tin sẽ có được từ việc các nước phát triển thực hiện các cam kết về phát thải và cung cấp tài chính cho những nước nghèo.

Ngoại trưởng Ai Cập bày tỏ hy vọng tại COP27 các nước không chỉ đưa ra cam kết mà còn thể hiện nỗ lực thực hiện cam kết bằng những hành động cụ thể.

Theo TTXVN/Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới
Kênh Venice khô cạn, Italy tiếp tục đối mặt với nguy cơ hạn hán mới

Theo các nhà khoa học và các nhóm bảo vệ môi trường, thời tiết khô hạn ít tuyết trong nhiều tuần của mùa đông vừa qua đã làm dấy lên lo ngại rằng Italia có thể phải đối mặt với một đợt hạn hán khác sau tình trạng khẩn cấp vì hạn hán vào mùa hè năm ngoái. Được biết trong mùa đông mới đây, dãy núi Alps chỉ nhận được lượng tuyết rơi chưa bằng một nửa so với bình thường.

Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng
Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đối mặt với thời tiết cực đoan gia tăng

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới, có thể sẽ phải chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn, bao gồm các đợt sóng nhiệt khắc nghiệt, lũ lụt lớn và tình trạng hạn hán nghiêm trọng, đặt ra những thách thức đối với an ninh lương thực và an ninh năng lượng của quốc gia này.

Chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ vàng của Đông Nam Á
Chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ vàng của Đông Nam Á

Các thị trường trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với những rủi ro kinh tế do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, với báo cáo của Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự báo 8 - 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm sẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm về năng suất trong bối cảnh nhiệt độ và độ ẩm tăng cao vào năm 2050.