Phải chấm dứt nạn đói để cứu lấy mọi người, đặc biệt là những người nghèo khổ. Ảnh minh họa: UNICEF/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Có thể nói rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine đã phơi bày những yếu kém của hệ thống lương thực toàn cầu bị suy yếu do tác động của biến đổi khí hậu và những cú sốc về nguồn cung liên quan đến đại dịch. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi cả hai nước đều là những nhà sản xuất chính của các mặt hàng chủ lực, bao gồm lúa mì, ngô, dầu hướng dương và lúa mạch, cũng như phân bón. Tất cả đang ngày càng trở nên khan hiếm ở nhiều quốc gia khi nguồn cung bị gián đoạn.
Trong trường hợp xung đột Nga – Ukraine tiếp tục kéo dài, giá thực phẩm thậm chí sẽ vượt xa tầm tay của những người tiêu dùng nghèo, cùng lúc làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài. Được biết ngay cả trước khi xung đột xảy ra, mỗi đêm có đến hơn 900 triệu người trên thế giới đã đi ngủ trong tình trạng đói và gần 45 triệu người phải đối mặt với nạn đói sắp xảy ra.
Đói là một thách thức hàng ngày ở châu Á – Thái Bình Dương, nơi nhiều quốc gia nhập khẩu ròng thực phẩm và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc lương thực. Trong khu vực, suy dinh dưỡng đang rất phổ biến, với một nửa trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi trên thế giới đang sống tại đây...
Bên cạnh sự cứu trợ của các tổ chức quốc tế, đơn cử như Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cần phải nghĩ rộng ra rằng, việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về lương thực một lần và mãi mãi cũng tương tự như việc tạo nên một hệ thống lương thực toàn cầu mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và công bằng hơn.
Trong một thông tin có liên quan, có 3 con đường rõ ràng để hành động đẩy nhanh tiến trình chấm dứt nạn đói như một mối đe dọa lâu dài đối với người nghèo. Cụ thể, trước tiên, cần tăng cường hợp tác về an ninh lương thực giữa chính phủ các nước. Về lâu dài, việc dỡ bỏ rào cản thương mại sẽ tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn, cùng lúc trao quyền cho các doanh nghiệp nông nghiệp trở thành những nhà sản xuất và phân phối thực phẩm hiệu quả hơn.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi sản xuất lương thực toàn cầu bằng cách hỗ trợ 350 triệu nông dân sản xuất nhỏ ở châu Á. Trong đó, họ cần được giúp đỡ để chuyển đổi sang các loại cây trồng ít phụ thuộc vào phân bón và sử dụng các loại phân bón như than sinh học, kết hợp với kỹ thuật tưới nhỏ giọt ít gây hại cho môi trường hơn và thích ứng với khí hậu hơn...
Cuối cùng, các nước cần cải thiện việc cung cấp thực phẩm dinh dưỡng.
Các nước phải làm việc cùng nhau để đưa ra những quyết định táo bạo, sẽ mang đến cho mọi người, đặc biệt là người nghèo nguồn thực phẩm bổ dưỡng và giá cả phải chăng mà họ cần.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ Nikkei)