Thứ Bảy, 27/06/2020 18:53

Du lịch châu Á-Thái Bình Dương: Điều chỉnh để thích ứng với tương lai hậu đại dịch

Các nhà nghiên cứu cho rằng, châu Á nên điều chỉnh lại thị trường du lịch để thúc đẩy du lịch liên vùng và hướng đến sự cân bằng, giảm phụ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc.

Châu Á - Thái Bình Dương: Thị trường khách sạn phục hồi chậm hơn Mỹ và châu ÂuNhu cầu du lịch nước ngoài của khách châu Á sẽ phục hồi vào năm 2024Du lịch Châu Á: Những điểm sáng về sự hồi sinhThái Lan dẫn đầu danh sách điểm đến du lịch ở Đông Nam Á

Ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương cần đa dạng hoá thị trường khách du lịch. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương đã phát triển mạnh trước đại dịch COVID-19, do nhu cầu mạnh mẽ từ khách du lịch Trung Quốc với thu nhập khả dụng ngày càng tăng.

Trước đại dịch, lượng khách du lịch Trung Quốc đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng lên 150 triệu vào năm 2020, với tổng chi tiêu 230 tỷ USD. Nhưng điều này đã không thành hiện thực do các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch hiện vẫn ảnh hưởng đến lượng du khách Trung Quốc.

Trước đây, du khách Trung Quốc có xu hướng du lịch theo các tour trọn gói, bao gồm các chuyến du lịch theo nhóm với nhiều điểm dừng. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi du khách Trung Quốc trẻ tuổi ưa chuộng các hình thức du lịch độc lập hơn, linh hoạt hơn.

Thực tế, ngành du lịch vốn đang phát triển mạnh đã bị đại dịch làm gián đoạn hoàn toàn. Châu Á-Thái Bình Dương bị sụt giảm đến 84% về lượng du khách nước ngoài và ghi nhận lượng khách du lịch giảm 300 triệu lượt. Điều này dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong ngành hàng không, khách sạn, nhà hàng và du lịch, kéo dài cho đến hiện nay.

Xu hướng du lịch có trách nhiệm và bền vững

Khi ngành du lịch và lữ hành của châu Á-Thái Bình Dương dần phục hồi về mức trước đại dịch, một số xu hướng chính đã xuất hiện. Du khách có nhu cầu cao hơn đối với các điểm đến nông thôn và ven biển, thiên về yếu tố tự nhiên và có tính riêng tư hơn so với các điểm đến thành thị. Các phân tích cũng cho thấy những lo ngại liên tục về COVID-19 khiến khách du lịch có xu hướng lên kế hoạch du lịch đơn giản, linh hoạt và gần nhà.

Du lịch sinh thái và du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển. Kể từ khi xảy ra đại dịch, nhận thức về sức khỏe thể chất và tinh thần đã tăng lên. Đây là một phần trong xu hướng rộng lớn hơn của những khách du lịch trẻ tuổi đang tìm kiếm loại hình du lịch bền vững và có ý thức xã hội, hỗ trợ cộng đồng địa phương và môi trường.

Ngành du lịch chủ yếu do khu vực tư nhân thúc đẩy, nhưng vẫn phụ thuộc vào một mạng lưới phức tạp các quy tắc của chính phủ, các thỏa thuận du lịch liên quốc gia và đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong ngắn hạn, các điểm du lịch và chính phủ cần thận trọng trong việc bảo vệ chống lại tình trạng du lịch quá mức khi hoạt động du lịch phục hồi tại các thị trường trọng điểm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Du lịch quá mức được Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) định nghĩa là “tác động của du lịch đối với một điểm đến… ảnh hưởng quá mức đến chất lượng cuộc sống của người dân và/ hoặc ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của du khách theo cách tiêu cực”. Giới trẻ hiện nay đang có xu hướng chú trọng tính bền vững và điều này tạo cơ hội cho các chính phủ thúc đẩy các sáng kiến mới về du lịch bền vững.

Du lịch có trách nhiệm và bền vững đang là xu hướng mới của nhiều du khách hiện nay. Ảnh minh hoạ: Yeudulich

Đa dạng nguồn khách, ngoài Trung Quốc

Theo các chuyên gia, tương lai của ngành du lịch trên khắp châu Á-Thái Bình Dương phải bao gồm sự đa dạng hóa phạm vi nhân khẩu học truyền thống của nguồn khách nước ngoài. Năm 2019, chi tiêu của khách du lịch nội địa trên khắp châu Á-Thái Bình Dương đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. 

Sau các tác động của đại dịch, về ngắn hặn, các điểm đến phải chú trọng quảng bá cho thị trường nội địa để thúc đẩy du khách nhanh chóng quay trở lại. Trong trung hạn, các điểm đến nên cố gắng đa dạng hóa nguồn du khách và xây dựng khả năng phục hồi. 

Ngành du lịch có thể điều chỉnh lại thị trường du lịch để thúc đẩy du lịch liên vùng và giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn và trung hạn. Du lịch nước ngoài của du khách Trung Quốc được dự báo sẽ khởi động lại sớm nhất là năm 2023 và sẽ không trở lại mức trước đại dịch cho đến năm 2024.

Mặc dù Trung Quốc đang nới lỏng các hạn chế về kiểm dịch và đi lại, nhưng vẫn chưa rõ mốc thời gian cụ thể để trở lại “bình thường”.

Do lo ngại về sức khỏe, khách du lịch từ Trung Quốc dự báo sẽ thích các điểm đến ngắn ngày ở châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan và Malaysia. Những điểm đến này mang đến sự gần gũi, kiểm soát đại dịch hiệu quả, quản lý điểm đến có trách nhiệm, tỷ lệ tiêm chủng cao và cơ sở chăm sóc sức khỏe tốt. Các điểm đến ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ phục hồi mạnh khi hoạt động du lịch nước ngoài của người dân Trung Quốc được nối lại.

Phối hợp để ngăn ngừa các đợt bùng phát COVID-19 mới

Việc mở lại các biên giới quốc tế và sự phục hồi của ngành du lịch châu Á-Thái Bình Dương cũng dựa trên tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các quy định biên giới hài hòa và hệ thống y tế được cải thiện trên toàn khu vực. Các tiêu chuẩn này có thể được hỗ trợ bằng các biện pháp an toàn liên quan đến kiểm dịch như làm thủ tục tại sân bay không tiếp xúc và hộ chiếu tiêm chủng. Những công cụ kỹ thuật số này sẽ đảm bảo an toàn cho khách du lịch và cư dân tại các điểm đến.

Thực tế, khách du lịch là những người có thể lây truyền mầm bệnh một cách nhanh chóng. Do đó, ngành du lịch cần cân bằng giữa việc thúc đẩy sự phục hồi của ngành và việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe cộng đồng.

Việc tiêu chuẩn hóa các biện pháp phòng ngừa nâng cao sức khỏe tại sân bay, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và điểm tham quan cũng sẽ mang lại lợi ích cho các bên liên quan trong ngành du lịch. Các quốc gia cần thiết lập một cách tiếp cận có sự phối hợp tốt để ngăn chặn các đợt bùng phát COVID-19 mới, từ đó tận dụng tối đa hiệu quả từ sự gia tăng của du lịch quốc tế trong khu vực.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNA)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông
Khám phá, trải nghiệm dịch vụ du lịch ở Nam Đông

Trong hai ngày 25 - 26/2, Sở Du lịch phối hợp với UBND huyện Nam Đông, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023
Khách châu Á ​​kỳ vọng thúc đẩy du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023

Cơ quan Du lịch Thụy Sĩ (Switzerland Tourism) ngày 23/2 cho hay, khách du lịch châu Á được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch Thụy Sĩ trong năm 2023, sau khi khách du lịch Mỹ đã đưa ngành này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch hồi năm ngoái.

Điểm đến phải hấp dẫn
Điểm đến phải hấp dẫn

Không còn lâu nữa, nhà ga T2, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài sẽ đưa vào khai thác. Đây là thời điểm cần chủ động các giải pháp để kết nối, đưa khách đến trong thời gian đến.