Thứ Tư, 27/11/2019 15:20

“Hợp tác dựa trên sự tin cậy và theo định hướng hành động”

Với chủ đề “Lịch sử ở giai đoạn bước ngoặt”, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2022 đang diễn ra từ ngày 22-26/5 tại Davos (Thụy Sĩ) sẽ là hội nghị thường niên mang tính kịp thời và quan trọng nhất kể từ khi WEF được thành lập cách đây hơn 50 năm. Đây là phát biểu do Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF đưa ra tại sự kiện năm nay.

Hội nghị WEF Davos 2022: Nền kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều mối đe doạ38% lượng khí thải toàn cầu là từ xây dựng, vận hành các tòa nhà

Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái (thứ 2, trái sang) dự và phát biểu tại hội nghị. Ảnh minh họa: VGP

Sự kiện kịp thời và quan trọng nhất

Hội nghị WEF Davos 2022 trở nên kịp thời bởi một số lý do. Đầu tiên là cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Trong đó, “chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể ở Hội nghị Davos để hỗ trợ Ukraine, người dân và sự phục hồi của đất nước này”, ông Klaus Schwab khẳng định.

Ngoài ra, đây là hội nghị trực tiếp đầu tiên được tổ chức sau thảm họa sức khỏe nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến 15 triệu người tử vong, theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Do đó, câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào để phát triển các cơ chế phục hồi nhanh cần thiết ở cấp cá nhân, quốc gia và toàn cầu, đồng thời trang bị tốt hơn trong tương lai.

Liên quan đến vấn đề khí hậu, ông Klaus Schwab nhấn mạnh: “Rõ ràng, việc bảo vệ thiên nhiên và khí hậu luôn được quan tâm hàng đầu. Tất cả chúng ta đều biết rằng, loài người chỉ còn vài năm nữa để tạo nên sự thay đổi. Cửa sổ cơ hội đang nhanh chóng khép lại. Vì vậy, Hội nghị WEF Davos 2022 phải và cũng sẽ là một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu”.

Cụ thể, hành động cho tất cả các sáng kiến ​​của WEF về lĩnh vực này sẽ được thúc đẩy, bao gồm Liên minh Dẫn đầu đã được ra mắt tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); dự án “Một nghìn tỷ cây xanh”, cùng nhiều dự án khác. Hơn nữa, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sẽ là trung tâm của nhiều cuộc thảo luận tại Davos.

Đối với lĩnh vực kinh tế, sự trở lại của xung đột, dịch bệnh và khủng hoảng khí hậu... đã làm trật bánh sự phục hồi toàn cầu. Lạm phát đã không ở mức cao như hiện nay trong nhiều thập kỷ. Liên quan đến vấn đề này, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang mất cân bằng.

Đóng góp của Davos 2022

Thứ nhất là hợp tác công – tư. Những thách thức kể trên không thể được giải quyết chỉ bởi các Chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội dân sự. WEF là một tổ chức quốc tế về hợp tác công – tư, với sự tham gia chính thức của hơn 90 Chính phủ tại Davos.

Trong đó, nhiều sáng kiến ​​hợp tác sẽ thúc đẩy tiến bộ bằng cách tăng cường hợp tác toàn cầu và khu vực; bảo tồn thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu; phát triển các chính sách kinh tế và xã hội mới; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) có trách nhiệm, và sử dụng các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và điện toán lượng tử vì lợi ích của xã hội.

Ngoài ra, Davos 2022 là cơ hội để đạt được những hiểu biết mới và kết nối, hỗ trợ việc ra những quyết định sáng suốt hơn. Cuối cùng, khi nói đến hoạt động kinh doanh và kinh tế, sự kiện tại Davos hướng đến một nền kinh tế toàn cầu hoạt động vì sự thịnh vượng, con người và hành tinh.

Ông Klaus Schwab kết luận: “Một nền tảng toàn cầu dựa trên sự hợp tác không chính thức, dựa trên sự tin cậy và theo định hướng hành động, chẳng hạn như WEF và sự kiện tại Davos sẽ cần thiết hơn bao giờ hết”.

Vai trò của ASEAN

Trong một động thái liên quan, ông Joo-Ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành WEF cho rằng, vị trí địa - kinh tế của khu vực, cùng những mối quan hệ mạnh mẽ với tất cả các cường quốc lớn, sự đa dạng trong cấu thành kinh tế cho phép sự ủng hộ đối với các nền kinh tế phát triển, cũng như đang phát triển,... Đây là một số lý do để Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể và sẽ đảm nhận một vai trò lớn hơn trên trường toàn cầu ở giai đoạn bước ngoặt quan trọng này.

Bên cạnh đó, thông qua các phiên họp như “Triển vọng chiến lược về ASEAN” và “Đánh giá vai trò của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”, các bên liên quan sẽ có thể hiểu rõ hơn về những ưu tiên và cơ hội từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ASEAN, cũng như RCEP.

Phiên họp về “Một ASEAN kỹ thuật số dành cho tất cả mọi người” sẽ là dịp để các đại biểu tham dự chia sẻ những điển hình về cách mà chuyển đổi số trong các lĩnh vực đạt được tính linh hoạt, bền vững và hợp tác nhiều hơn trong khu vực, đồng thời xem xét những giải pháp đa bên liên quan, nhằm đảm bảo cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) và chuyển đổi số toàn diện, mang lại lợi ích cho khu vực.

Hội nghị WEF Davos 2022 có sự tham dự của hơn 2.500 đại biểu, gồm lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, giới học giả... Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự hội nghị.

LÊ THẢO

(Tổng hợp và lược dịch từ WEF & The ASEAN Post)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.