Thứ Hai, 09/10/2017 15:15

Khủng hoảng COVID-19 có thể khiến nửa tỷ người rơi vào cảnh nghèo đói

Tổ chức từ thiện Oxfam ngày hôm nay (9/4) cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát đang tác động lớn đến các nền kinh tế trên thế giới, có thể đẩy khoảng nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói.

ILO: Đại dịch sẽ lấy đi 6,7% số giờ làm việc trên toàn thế giới trong quý IIWHO: Thế giới thiếu 6 triệu điều dưỡngCập nhật Covid-19: Thế giới có gần 70.000 ca mắc mới, thêm 5.131 ca tử vong

Đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng tình trạng nghèo đói trên toàn cầu. Ảnh minh hoạ: UN/TTXVN

Báo cáo do tổ chức từ thiện có trụ sở tại thủ đô Nairobi của Kenya công bố trước thềm Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần tới, đã tính toán tác động của cuộc khủng hoảng đối với tình trạng nghèo đói trên toàn cầu, do tiêu dùng hoặc thu nhập hộ gia đình bị thu hẹp.

"Cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra nhanh chóng và trở nên sâu sắc hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các ước tính cho thấy, bất kể kịch bản nào, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu cũng có nguy cơ gia tăng, lần đầu tiên kể từ năm 1990", báo cáo nhận định; đồng thời nói thêm rằng, điều này có thể đưa một số quốc gia trở lại mức nghèo đói đã từng chứng kiến cách đây khoảng 3 thập kỷ.

Các tác giả của báo cáo đã nghiên cứu qua một số tình huống, có tính đến những mức nghèo đói khác nhau của WB, từ mức nghèo đói cùng cực, được định nghĩa là sống ở mức 1,90 USD/ngày hoặc ít hơn; đến mức nghèo đói cao hơn đối với mức sống dưới 5,50 USD/ngày.

Theo kịch bản nghiêm trọng nhất, khi thu nhập giảm 20%, số người sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực sẽ tăng thêm 434 triệu người, lên mức 922 triệu người trên toàn thế giới. Kịch bản tương tự sẽ chứng kiến ​​số người sống dưới ngưỡng 5,50 USD/ngày tăng thêm 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người.

Đáng chú ý, nữ giới phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nam giới, bởi họ có nhiều khả năng làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, với ít hoặc không có quyền làm việc.

"Sống qua từng ngày, những người nghèo nhất không có khả năng nghỉ làm hoặc dự trữ các khoản dự phòng", báo cáo của Oxfam cảnh báo; và nói thêm rằng, hơn 2 tỷ lao động khu vực phi chính thức trên toàn thế giới không có khả năng tiếp cận khoản tiền lương được chi trả khi nghỉ ốm.

Ngân hàng Thế giới hồi tuần trước cũng cho hay, tình trạng nghèo đói chỉ riêng ở khu vực Đông Á và khu vực Thái Bình Dương có thể tăng thêm 11 triệu người, nếu các điều kiện trở nên tồi tệ hơn.

Để giúp làm giảm thiểu tác động, Oxfam đề xuất một kế hoạch hành động 6 điểm nhằm cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt và cứu trợ dành cho những người và doanh nghiệp có nhu cầu, đồng thời kêu gọi xóa nợ, hỗ trợ nhiều hơn từ IMF và tăng cường viện trợ. Những lời kêu gọi giảm nợ đã tăng lên trong những tuần gần đây, trong bối cảnh tác động từ đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến những quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới.

Tổng cộng, các Chính phủ trên thế giới sẽ cần huy động ít nhất 2,5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ những quốc gia đang phát triển.

"Các quốc gia giàu có chỉ ra rằng, tại thời điểm khủng hoảng này, họ có thể huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế của chính họ. Tuy nhiên, trừ khi các quốc gia đang phát triển cũng có khả năng chống lại tác động về sức khỏe và kinh tế, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục và nó sẽ gây ra thiệt hại thậm chí còn lớn hơn đối với tất cả các quốc gia, cả giàu và nghèo", báo cáo của Tổ chức từ thiện Oxfam nhấn mạnh.

Theo số liệu vừa được cập nhật trên trang Worldometers, tính đến 13h11 phút chiều nay (9/4) theo giờ Việt Nam, tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh COVID-19) trên toàn thế giới là 1.519.571 trường hợp, trong đó 88.550 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm bệnh đã được phục hồi là 331.011 trường hợp. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới 209 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters, Worldometers & AFP)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.