Thứ Hai, 13/05/2019 17:50

Mở rộng nguồn cung vaccine COVID-19 đảm bảo đi lại an toàn

Tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 32 (AMM 32), một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra từ ngày 8-12/11, nhóm 21 nền kinh tế thành viên đã đưa ra cam kết mở rộng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19, đẩy mạnh nỗ lực nối lại hoạt động đi lại, đồng thời cảnh báo chống lại việc tích trữ vaccine.

Châu Á và “cú trở mình” trong công tác tiêm chủng phòng COVID-19Đại dịch sẽ kết thúc trong 1 năm tới

Các Bộ trưởng đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên APEC tham dự AMM 32 theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa: apec2021nz.org

Chống lại chủ nghĩa dân tộc vaccine

Được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 8-9/11, các Bộ trưởng tham dự AMM 32 đã tái khẳng định lập trường mạnh mẽ của APEC trong việc chống lại chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến vào ngày 10/11, Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu của New Zealand, ông Damien O’Connor khẳng định: “Tất cả chúng ta đều biết rằng, không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn”. Được biết, New Zealand hiện đang giữ vai trò Chủ tịch APEC năm 2021, nền kinh tế này đã và đang thúc đẩy hợp tác về thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Vaccine COVID-19 đang dần cho phép các nền kinh tế mở cửa trở lại; tuy nhiên, tốc độ phân phối vaccine vẫn rất khác nhau. Điều này được nhìn thấy một cách rõ ràng ngay bên trong APEC. Theo trang web thống kê Our World in Data, tính đến ngày 8/11, các nền kinh tế thành viên như Singapore, Chile, Hàn Quốc, Canada, Malaysia... đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số; Singapore đạt tỷ lệ cao nhất trong số các nền kinh tế thành viên APEC, ở mức hơn 80%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia vẫn ở mức khoảng 30%; tại Papua New Guinea, con số này chỉ là 1%.

Qua đó, ông Damien O’Connor cho rằng: “Các nền kinh tế thành viên của APEC là những nhà tài trợ lớn để đảm bảo một số quốc gia đang phát triển được tiếp cận đầy đủ vaccine. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện nỗ lực trong lĩnh vực này”.

Trong một tuyên bố chung sau hội nghị AMM 32, các Bộ trưởng đã cam kết “đẩy nhanh nỗ lực để mở rộng sản xuất và cung cấp vaccine, nhằm hỗ trợ nỗ lực chia sẻ vaccine trên toàn cầu, đồng thời khuyến khích việc tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine dựa trên những điều khoản đã đạt được sự đồng thuận chung”.

Đảm bảo hoạt động đi lại an toàn

Tiếp đó, các nền kinh tế thành viên cũng thảo luận về những bước đi quan trọng khác để phục hồi kinh tế, chẳng hạn như hoạt động đi lại của người dân.

“Chúng ta cần tiếp tục mở đường cho việc nối lại hoạt động đi lại xuyên biên giới, mà không làm suy yếu các nỗ lực kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19”, tuyên bố chung lưu ý.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng khẳng định sẽ tìm kiếm thêm các sáng kiến, giải pháp cụ thể và những thực tiễn tốt nhất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại an toàn trong khu vực; qua đó, mở đường cho sự trở lại của những du khách đi lại xuyên biên giới với mục đích kinh doanh, du lịch, và giáo dục.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand, bà Nanaia Mahuta, các nền kinh tế thành viên APEC cũng lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ các cam kết toàn cầu về khí hậu. “Chúng tôi biết rằng, APEC có vai trò trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Chính vì lý do này mà các Bộ trưởng đã đồng ý phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc ngừng chi tiêu thêm cho các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch”, bà Nanaia Mahuta cho hay.

Đáng chú ý, AMM 32 là hội nghị cấp Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến lớn nhất trong năm nay, với sự tham dự của lên tới 42 Bộ trưởng đến từ khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện tập trung vào vai trò mà thương mại có thể đóng góp trong việc hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của khu vực, sau những tác động nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong đó, các Bộ trưởng đã thảo luận cách để đạt được sự phục hồi bền vững và toàn diện hơn, cũng như cách khai thác sự đổi mới và số hóa để phục hồi hiệu quả.

Hội nghị được đồng chủ trì bởi Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta, và Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor. Tiếp đó vào ngày 12/11, Hội nghị giữa lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC cũng sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

21 nền kinh tế thành viên của APEC bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Bắc - Trung Hoa, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Nhìn chung, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 62% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, và 48% thương mại quốc tế trong năm 2020. GDP của khu vực này được dự báo ​​sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Nikkei Asia, AP & apec2021nz.org)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo chế độ báo cáo khi vay vốn nước ngoài
Đảm bảo chế độ báo cáo khi vay vốn nước ngoài

Ngoài nguồn vốn tín dụng trong nước, các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong nước có thể thực hiện vay vốn nước ngoài và các khoản vay nước ngoài để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là nguồn vốn không nhỏ góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông
Nâng cấp Quốc lộ 49 đảm bảo an toàn giao thông

Thời gian gần đây, trên tuyến Quốc lộ 49 luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do nhiều phương tiện trọng tải lớn lưu thông. Việc cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ này đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết hiện nay.