Thứ Bảy, 19/10/2019 18:46

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,2% trong năm 2022

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, lạm phát và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.

Áp lực lạm phát che mờ triển vọng tăng trưởng toàn cầuTăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến ​​giảm 1% trong năm nayMoody's: Khủng hoảng Nga-Ukraine làm tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,2% trong năm 2022. Ảnh: Polyestertime/Nhandan

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, ​​nền kinh tế toàn cầu hiện dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 3,2% trong năm 2022, giảm so với mức 4,1% được đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng 5,7% trong năm ngoái.

Dự báo cập nhật này được đưa ra trước thềm cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ diễn ra trong tuần này tại Washington, Mỹ, với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới.

“Chúng ta bắt đầu cuộc họp vào mùa xuân này trong bối cảnh phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chồng chéo nghiêm trọng, bao gồm COVID-19, lạm phát và xung đột Ukraine”, Chủ tịch Malpass nói trong một cuộc họp báo.

Ông cho biết những diễn biến này dự kiến ​​sẽ làm tăng tỷ lệ nghèo đói trên toàn cầu khi thế giới phải đối mặt với sự gia tăng đột ngột của giá năng lượng, phân bón và thực phẩm. Theo ông, “lãi suất tăng được cho là sẽ làm chậm tăng trưởng và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng”.

Được biết, Ngân hàng Thế giới đang nỗ lực tạo ra một quỹ khẩn cấp trị giá 170 tỷ USD để giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng.

Theo đó, quỹ ứng phó khủng hoảng sẽ tiếp tục các phần việc đã được triển khai trong đại dịch COVID-19, và giúp các nước đối phó với tình trạng lạm phát gia tăng - vốn đang trở nên tồi tệ hơn do xung đột ở Ukraine, cũng như những “căng thẳng tài chính nghiêm trọng" do mức nợ cao, lãnh đạo WB nói thêm.

Ngân hàng Thế giới dự đoán nền kinh tế của Nga và Ukraine sẽ giảm mạnh, và các quốc gia lân cận ở châu Âu và Trung Á cũng sẽ cảm nhận được những tác động kéo theo. Ngoài ra, các dự báo đối với các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển cũng đang bị cắt giảm khi giá thực phẩm và năng lượng tăng đột biến, với nguyên nhân được cho là do sự gián đoạn nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. 

Lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao

Cũng trong bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cảnh báo rằng “gần như chắc chắn” lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian dài, đồng thời tăng trưởng toàn cầu cũng bị đe dọa bởi tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô trong nước ở một số nền kinh tế lớn.

Theo Bộ trưởng Wong, rủi ro đối với cả tăng trưởng và lạm phát đều bị đè nặng bởi sự suy giảm, và rõ ràng điều này sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát vốn đã cực kỳ khó khăn đối với các ngân hàng trung ương.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải vật lộn với vấn đề tăng trưởng mờ nhạt trước đại dịch, nhưng các đợt bùng phát COVID-19 và xung đột ở Ukraine lại càng làm tăng một thách thức khác là lạm phát cao hơn.

Tổng hợp những thách thức này đang đặt ra một “sự thay đổi cơ bản và đáng lo ngại hơn” trong nền kinh tế toàn cầu – đó là sự chia rẽ. Bộ trưởng Wong cho rằng cần phải chuẩn bị cho một thế giới “chia rẽ hơn về mặt kinh tế”, phản ánh “một thế giới chia rẽ hơn về mặt chính trị”.

Điều này sẽ có tác động đến tăng trưởng toàn cầu, với các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khiến các nước đang phát triển khó hội tụ với các nước tiên tiến hơn.

Đáng lo ngại, tăng trưởng toàn diện cũng trở nên khó khăn hơn do đại dịch, với lao động phổ thông và phụ nữ phải chịu đựng những tổn thương một cách không cân đối. Chỉ ra rằng chỉ riêng ở Đông Nam Á, đại dịch đã đẩy thêm gần 5 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực.

“Hệ quả của những yếu tố này - tăng trưởng thu nhập thấp và không đồng đều, bất bình đẳng tăng cao và tính di chuyển xã hội yếu - gây ra những rủi ro đáng kể cho tất cả chúng ta, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội”, ông Wong nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & CNA)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

OPEC Giá dầu có khả năng sẽ phục hồi trong năm nay
OPEC: Giá dầu có khả năng sẽ phục hồi trong năm nay

Giá dầu có thể sẽ phục hồi trong năm 2023, với số lượng ngày càng tăng các dự báo cho thấy khả năng quay trở lại mức 100 USD/thùng, Hãng thông tấn Reuters dẫn lời các quan chức từ các quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho hay.

Nhật Bản chọn sức khỏe toàn cầu là vấn đề ưu tiên tại thượng đỉnh G7
Nhật Bản chọn sức khỏe toàn cầu là vấn đề ưu tiên tại thượng đỉnh G7

Japantimes dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết nước này đã chọn sức khỏe toàn cầu là chương trình nghị sự hàng đầu khi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) vào tháng 5 tới, một phần vì việc tiếp cận vaccine công bằng vẫn là một thách thức trên toàn thế giới, ngay cả trong bối cảnh chuyển đổi sang thời kỳ hậu COVID-19 như hiện nay.