Người dân mua sắm tại một khu phố ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trước đó vào năm 2020, 3 quốc gia thành viên bao gồm Singapore, New Zealand và Chile đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA).
Các Bộ trưởng và quan chức cấp cao đến từ 3 quốc gia thành viên nói trên cũng đã nhất trí bắt đầu các cuộc đàm phán để Hàn Quốc gia nhập hiệp định DEPA.
Trong một tuyên bố chung được công bố ngày 5/10, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI), Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore (MCI), và Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm Singapore (IMDA) cho biết, một nhóm công tác do Singapore chủ trì đã được thành lập để giám sát công việc này.
Được biết, DEPA thiết lập các quy tắc chung về thương mại kỹ thuật số và thúc đẩy sự hợp tác, cũng như khả năng tương tác giữa các hệ thống kỹ thuật số của những quốc gia khác nhau. Đây là một nỗ lực do MTI, MCI và IMDA dẫn đầu, với sự hỗ trợ từ nhiều cơ quan khác của Singapore.
Hiệp định DEPA đã có hiệu lực đối với Singapore và New Zealand vào tháng 1 năm nay. Chile đã phê chuẩn hiệp định DEPA vào tháng 8 vừa qua, và hiệp định sẽ có hiệu lực tại quốc gia này vào ngày 23/11 tới đây.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong, quan chức đại diện cho Singapore tại một cuộc họp cấp Bộ trưởng DEPA, được tổ chức ở thủ đô Paris (Pháp) vào ngày 5/10, đã chúc mừng Chile phê chuẩn hiệp định này. Ông Gan Kim Yong nói thêm: "Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Chile và New Zealand để tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về việc gia nhập của Hàn Quốc vào hiệp định".
Cũng theo tuyên bố chung, động lực chính của hiệp định DEPA là xác định và tạo điều kiện cho những dự án hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, một ví dụ điển hình là khuôn khổ lập hóa đơn điện tử Peppol đã được Singapore và New Zealand thực hiện.
"Việc áp dụng một khuôn khổ chung cho phép các doanh nghiệp ở cả 2 quốc gia giao dịch với các đối tác ở nước ngoài một cách liền mạch và tạo điều kiện cho thời gian xử lý hóa đơn ngắn hơn, thanh toán nhanh hơn và tiết kiệm chi phí", tuyên bố chung cho hay.
Cho đến nay, khoảng 40.000 doanh nghiệp ở Singapore đã áp dụng các giải pháp lập hóa đơn điện tử dựa trên Peppol. Qua đó, MTI, MCI và IMDA nhận định, điều này sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc cho khả năng tương tác, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia, và các giao dịch xuyên biên giới cũng đang tăng lên.
Đáng chú ý, nền kinh tế kỹ thuật số ở khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng trưởng lên mức 300 tỷ USD vào năm 2025.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Straits Times)