Thứ Sáu, 06/03/2020 15:58

Các nước hỗ trợ người dân xoay xở trong khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Chính phủ các nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người dân và các doanh nghiệp như tăng lương hay hủy bỏ khoản nợ cho sinh viên vay.

Hoạt động kinh doanh toàn cầu xấu đi khi lo ngại suy thoái tăngUNCTAD: Khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người nghèo tổn thương nhấtThái Lan: Du lịch khởi sắc, nhưng sự phục hồi kinh tế vẫn bị đe doạ bởi lạm phát

Người dân mua sắm tại một chợ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dịch COVID-19, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao, cũng như tình hình xung đột tại Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào cuộc sống của người dân trên khắp thế giới.

Từ quyết định hủy bỏ khoản nợ cho sinh viên vay cho đến tăng lương tối thiểu..., nhiều chiến lược khác nhau đang được chính phủ các nước đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người dân và các doanh nghiệp.

Tại Mỹ, hàng triệu cựu sinh viên đã được xóa bỏ các khoản vay để trang trải chi phí học tập mà họ chưa thể hoàn trả, với tổng số tiền lên tới 10.000 USD.

Hồi tháng trước, Washington cũng công bố Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, trong đó bao gồm cắt giảm giá thuốc kê đơn và tín dụng thuế nhằm khuyến khích người dân sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Tổng thống Joe Biden cũng đã đề xuất một kế hoạch trả nợ dựa trên thu nhập, theo đó giới hạn các khoản vay dành cho những người có thu nhập thấp trong tương lai, đồng thời điều chỉnh chương trình xóa nợ cho các nhân viên làm việc cho chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Tại Brazil, chính phủ nước này đã cắt giảm thuế nhiên liệu và tăng chi trả phúc lợi xã hội.

Petrobras - công ty dầu mỏ lớn nhất nước này - hồi tuần trước đã thông báo cắt giảm 7% giá xăng dầu, lần giảm thứ 4 liên tiếp kể từ giữa tháng Bảy vừa qua.

Cũng trong tháng Bảy, Chile đã công bố kế hoạch viện trợ 1,2 tỷ USD, bao gồm trợ cấp lao động và khoản thanh toán 1 lần trị giá 120 USD/người cho 7,5 triệu người trong tổng số 19 triệu dân.

Còn tại châu Á, Nhật Bản đã tăng lương tối thiểu lên mức kỷ lục 3,3% trong tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023. Chính phủ cũng đang nỗ lực kiểm soát để không tăng giá lúa mỳ xuất khẩu.

Đây là những biện pháp nằm trong gói hỗ trợ trị giá 103 tỷ USD được nước này thông qua vào tháng Tư vừa qua.

Indonesia sẽ phân bổ lại 24,17 nghìn tỷ rupiah (tương đương 1,6 tỷ USD) ngân sách trợ cấp nhiên liệu cho chi tiêu phúc lợi, bao gồm cả phát tiền mặt cho 20,6 triệu hộ gia đình.

Chính phủ cũng sẽ chỉ thị cho các cơ quan quản lý khu vực trợ cấp giá vé vận tải.

Cách đây 4 tháng, Ấn Độ cũng đã áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm, trong đó bao gồm cả lúa mỳ và đường, chiếm gần 40% chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đồng thời cắt giảm thuế nhập khẩu dầu ăn.

Trong khi đó, Chính phủ Malaysia dự kiến sẽ chi khoản tiền trợ cấp cao kỷ lục 77,3 tỷ ringgit (17,25 tỷ USD) và viện trợ tiền mặt cho người dân trong năm nay nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá cả leo thang.

Tại khu vực châu Phi và Trung Đông, Nam Phi hồi tháng Bảy vừa qua đã thông báo giảm giá bơm nhiên liệu, trong khi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã tăng chi tiêu phúc lợi xã hội.

Cụ thể, UAE đã tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, còn Saudi Arabia phân bổ 20 tỷ riyals (5,33 tỷ USD) cho các hộ nghèo.

Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng lương tối thiểu thêm khoảng 30%, sau khi đã tăng 50% vào cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Pháp đã "chốt" giá khí đốt ở mức giá của tháng 10/2021 và giới hạn mức tăng giá điện ở mức 4% cho đến ít nhất là cuối năm nay. Chính phủ nước này cũng đã hỗ trợ 100 euro (tương đương 99,5 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình để giúp họ trang trải hóa đơn năng lượng.

Trong tháng Chín này, Chính phủ Đức đã cung cấp khoản hỗ trợ 1 lần trị giá 300 euro cho tất cả những người làm việc thường xuyên. Sinh viên và những người hưởng phúc lợi xã hội cũng đã được nhận gấp đôi khoản trợ cấp thông thường của họ để chi trả phí sưởi ấm tại nhà.

Tây Ban Nha sẽ cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với khí đốt từ 21% xuống còn 5% trong 3 tháng cuối năm nay, nhằm giúp người dân thanh toán hóa đơn năng lượng.

Hồi tháng Sáu vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch 8,4 tỷ euro của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhằm giảm giá điện bán buôn tại bán đảo Iberia bằng cách giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện.

Được xem như một khoản tài trợ trực tiếp cho các nhà sản xuất điện, kế hoạch này sẽ giúp các hộ gia đình tiết kiệm từ 15-20% trị giá hóa đơn năng lượng.

Ở Ba Lan - quốc gia phụ thuộc nhiều vào than để sưởi ấm, chính phủ đã công bố khoản thanh toán một lần 3.000 złotys (tương đương 627 USD) cho mỗi hộ gia đình sử dụng than, trong khi các khoản trợ cấp ở mức thấp hơn sẽ được chi trả cho các loại nhiên liệu sưởi ấm khác.

Hà Lan đang cung cấp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp nhất khoản trợ cấp năng lượng một lần trị giá 1.300 euro, tăng mức lương tối thiểu và giảm thuế VAT đối với năng lượng xuống mức 9%.

Na Uy đã giới hạn hóa đơn tiền điện ở mức 7 NKr (tương đương 0,7 USD) cho mỗi kWh, trong đó nhà nước hiện chi trả 80% và sẽ tăng lên 90% vào tháng 10 tới.

Theo Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.