Thứ Ba, 12/05/2020 07:29

ASEAN - gã khổng lồ kinh tế hình thành với câu chuyện tăng trưởng độc đáo

Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015 được ca ngợi là bước tiến lớn nhất hướng tới hội nhập kinh tế của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trong thời gian ngắn, cộng đồng đã đạt được nhiều mục tiêu, bất chấp đối mặt với những thách thức gay gắt dưới hình thức của các hàng rào phi thuế quan.

Hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN góp phần phát triển, thịnh vượng trong khu vựcRCEP đặt nền tảng cho thương mại đôi bên cùng có lợiThanh toán bằng nhân dân tệ giữa Trung Quốc - ASEAN tăng gần 20 lần trong một thập kỷAANZFTA nâng cấp sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các nhà xuất khẩuCanada khẳng định mối quan hệ đối tác với ASEAN ngày càng gắn kết

ASEAN đang đạt được đà tăng trưởng nhanh, được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai. Ảnh minh họa: Bộ Công thương Việt Nam

Hiện ASEAN đang là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á (với GDP năm 2020 đạt 2,9 nghìn tỷ USD), xếp sau Trung Quốc (với 15,5 nghìn tỷ USD) và Nhật Bản (5,1 nghìn tỷ USD) và khu vực cũng được dự đoán đến năm 2030 có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA).

ASEAN cũng là nơi có một số thị trường phát triển nhanh nhất, với tầng lớp trung lưu tăng nhanh và cơ sở sản xuất được thiết lập sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư trong những năm tới.

Tăng trưởng kinh tế trung bình của ASEAN là 4,6% ghi nhận trong thập kỷ qua (2010 - 2020), vượt quá mức trung bình toàn cầu là 3,1%. Vào năm 2022, bất chấp những bất ổn toàn cầu và căng thẳng địa chính trị hiện nay, mức tăng trưởng 4,9% của khu vực được kỳ vọng sẽ vượt qua mức tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,2% và mức tăng trưởng 4,4% của khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển.

Động lực tăng trưởng này phần lớn được tạo điều kiện thuận lợi, bởi AEC coi ASEAN là một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất, một khu vực có tính cạnh tranh cao, phát triển kinh tế công bằng và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.

Lịch sử của AEC có thể bắt nguồn từ năm 1992, khi các nhà lãnh đạo ASEAN ủy quyền thành lập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA). Kể từ đó, các nỗ lực đã được tăng cường để mở rộng tiềm năng kinh tế của khu vực. Việc các nhà lãnh đạo thông qua Tầm nhìn ASEAN 2020 vào năm 1997 đã tiếp tục nhìn nhận nhóm là một khu vực có tính cạnh tranh cao với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, dòng vốn tự do hơn, phát triển kinh tế công bằng, giảm nghèo và chênh lệch kinh tế xã hội.

Năm 1998, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA). Kế hoạch đề ra một loạt các sáng kiến về hội nhập kinh tế để thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2020. Kế hoạch Tổng thể AEC 2015 được thông qua vào năm 2007 như một kế hoạch tổng thể nhất quán hướng dẫn việc thành lập AEC vào năm 2015.

Ngay sau đó, một Kế hoạch Tổng thể AEC 2025 mới đã được phát triển để đặt ra các định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo của chương trình hội nhập kinh tế của ASEAN. Kế hoạch Tổng thể AEC 2025 được dự kiến sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn nữa và đạt được một cộng đồng kinh tế hội nhập hơn với các đặc điểm bao gồm: Nền kinh tế gắn kết và hội nhập cao; Một ASEAN cạnh tranh, sáng tạo và năng động; Tăng cường kết nối và hợp tác ngành; Một ASEAN kiên cường, hòa nhập, hướng tới con người và lấy con người làm trung tâm; Một ASEAN toàn cầu.

Aladdin D Rillo, Cố vấn Kinh tế Cấp cao của ERIA trả lời phóng viên báo Khmer Times rằng mô hình liên kết kinh tế ASEAN là một mô hình độc đáo và nó khác với Liên minh châu Âu (EU), theo nghĩa rằng mục tiêu cuối cùng của AEC là tạo ra một thị trường tích cực với dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động, nhưng không phải là một liên minh tiền tệ.

“ASEAN có một cách tiếp cận độc đáo để hội nhập kinh tế khu vực, mặc dù tốc độ chậm hơn, nhưng lại bền vững hơn về động lực chính trị. Điều được mong đợi trong trung và dài hạn là các thị trường hội nhập hơn và sâu rộng hơn với mức độ hội nhập thương mại và tài chính tiên tiến, đạt được khả năng kết nối cao hơn với các mạng lưới cơ sở hạ tầng rộng lớn và các quy định hài hòa, cũng như hiệu quả thị trường và khả năng cạnh tranh cao hơn với chi phí thương mại giảm đáng kể”, Cố vấn Kinh tế Aladdin D Rillo nhận định.

Theo ông, hội nhập kinh tế ASEAN ngày càng sâu rộng trong những năm qua thể hiện rõ ở khả năng khu vực đạt được mức độ cạnh tranh cao hơn và khả năng cạnh tranh thị trường bất chấp mức độ phát triển kinh tế khác nhau giữa các nước thành viên.

Về cạnh tranh, thuế quan đối với 98% hàng hóa giao dịch gần như được xóa bỏ, trong khi những cải tiến đáng kể về tiêu chuẩn, tạo thuận lợi thương mại và mạng lưới cạnh tranh đã đạt được. Hiệu quả thị trường trong khu vực cũng đã được tăng cường bằng cách cải thiện tính minh bạch, trong đó thông tin được truyền tải một cách hoàn hảo, hoàn toàn và tức thì mà không mất phí.

Với AEC, nhiều thỏa thuận khác nhau nhằm tăng cường quá trình xây dựng quy tắc của khu vực trên các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, từ thương mại đến tài chính, nông nghiệp, năng lượng, vận tải và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cũng đã được đưa ra.

ASEAN nhận thấy rằng việc đạt được một thị trường hội nhập là không dễ dàng, do sự năng động của thị trường cũng như những căng thẳng địa chính trị và thách thức xã hội đang ngày càng gia tăng trong khu vực. Đó chính là lý do vì sao một phần không thể thiếu trong quá trình hội nhập thị trường trong ASEAN là đảm bảo rằng AEC tiếp tục duy trì tính linh hoạt, hòa nhập và hướng tới con người.

Theo ông Aladdin D Rillo, để đạt được những kết quả lâu dài này, điều quan trọng là ASEAN phải tiếp tục thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư bằng cách giải quyết các rào cản phi thuế quan, thúc đẩy tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tận dụng tầm quan trọng ngày càng tăng của dịch vụ và phát triển các chiến lược về những vấn đề mới và nổi cộm như số hóa và tính bền vững.

Trước những thách thức trong quá trình phục hồi hậu đại dịch COVID-19 và chương trình nghị sự sau năm 2025, chất lượng thực hiện các biện pháp AEC, cũng như khả năng thiết lập cơ chế giám sát và quản trị phù hợp để hội nhập phải được ưu tiên. Điều này rất quan trọng để các lợi ích của AEC được công nhận và hưởng thụ rộng rãi.

Bản thân ASEAN là một thị trường rộng lớn trên thế giới với dân số gần 670 triệu người. Các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã mở ra một thế giới rộng lớn hơn. Ban đầu, có những lo ngại cho rằng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) như vậy sẽ tác động tiêu cực đến các ngành công nghiệp trong nước ở các nước kém phát triển (LDC).

Tuy nhiên, ông Aladdin D Rillo cho rằng, những điều khoản cụ thể trong RCEP sẽ thúc đẩy một sân chơi bình đẳng cho các nước kém phát triển như có các mốc thời gian khác nhau. Đơn cử, theo RCEP, các nước kém phát triển của ASEAN có thể đàm phán các mốc thời gian khác nhau để thực hiện các cam kết nhất định.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.