Thứ Sáu, 18/08/2017 18:30 (GMT+7)
LHQ tổ chức hội nghị để bảo vệ động vật hoang dã di cư trước nguy cơ tuyệt chủng
Nhiều loài động vật bao gồm chim, cá và động vật có vú di cư dọc theo các tuyến đường để tìm kiếm thức ăn hoặc nơi sinh sản. Cách tốt nhất để bảo vệ chúng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng là trọng tâm của một hội nghị lớn về động vật hoang dã của Liên Hiệp quốc (LHQ) đang diễn ra tại Gandhinagar, Ấn Độ từ ngày 17-22/2.
Hạc trắng trong chuyến di cư mùa Xuân từ châu Phi. Ảnh minh hoạ: THX/TTXVN
Hội nghị các bên tham gia Công ước về bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư lần thứ 13, hay CMS COP13 được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất đi 1 triệu loài động vật, trừ khi các nỗ lực bảo vệ được tăng lên.
"COP13 diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với bảo tồn động vật hoang dã. Hội nghị sẽ bắt đầu các hành động cần thiết để bảo vệ tốt hơn những loài di cư dựa vào hợp tác đa phương", Thư ký điều hành CMS Amy Fraenkel cho hay.
Những sinh vật này mang lại nhiều lợi ích cho con người, chẳng hạn như phát tán và thụ phấn hạt giống, đồng thời đem đến các lợi ích kinh tế và việc làm, chẳng hạn như trong ngành du lịch.
Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhận định: "Những loài động vật này di chuyển giữa các quốc gia mà không có hộ chiếu hay thị thực, nhưng chúng là sứ giả của hòa bình và thịnh vượng. Chúng ta có trách nhiệm bảo vệ điều đó".
Phó Giám đốc Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), bà Joyce Myusa nói thêm: "Khi chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng mất loài chưa từng có, năm 2020 là một năm quan trọng để tăng cường hành động bảo tồn các loài động vật, bảo vệ các hệ sinh thái và đạt được tiến bộ có ý nghĩa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững".
LÊ THẢO
(Lược dịch từ Devdiscourse & UN News)