Thứ Bảy, 06/01/2018 07:31

“Tiếp tục đi cùng nhau để nổi lên mạnh mẽ hơn”

Trong bối cảnh Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) của Liên Hiệp quốc (LHQ) chuẩn bị để đánh giá tiến trình hướng tới một tương lai công bằng hơn dành cho mọi người và hành tinh, Tổng Thư ký LHQ António Guterres lên tiếng cảnh báo, mỗi Mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển Bền vững đang bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc thông qua nghị quyết về COVID-19Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi “tái tạo” thế giới hậu Covid-19Lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc họp trực tuyến

Hàng viện trợ nhân đạo từ LHQ được gửi đến Venezuela để đối phó với đại dịch COVID-19. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN 

Diễn đàn HLPF chính thức được bắt đầu vào ngày 7/7, là một hoạt động thường niên nhằm nhìn nhận về tiến trình của thế giới hướng tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Năm nay, các nhà lãnh đạo Chính phủ cấp cao sẽ nhóm họp trực tuyến, để thảo luận về cách thức giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới; từ nghèo đói, biến đổi khí hậu, hòa bình, an ninh, đến bình đẳng giới.

Kế hoạch quốc gia là điểm nhấn

Các quốc gia sẽ trình bày về những kế hoạch đã được cập nhật của mình để biến 17 Mục tiêu trở thành hiện thực; với sự tham gia của LHQ, và các cơ quan liên Chính phủ khác.

Mức độ mà đại dịch COVID-19 tác động đến nhiều khía cạnh của xã hội và nền kinh tế sẽ được phản ánh trong chương trình năm 2020. Trong đó, chủ đề “xây dựng lại tốt hơn” sau đại dịch là nền tảng của nhiều phiên họp trong khuôn khổ của hội nghị kéo dài 10 ngày, bao gồm các lĩnh vực như giảm nghèo, tài trợ tài chính cho những quốc gia đang phát triển, bảo vệ hành tinh và tiếp cận năng lượng bền vững.

Một thập kỷ hành động

Báo cáo mới nhất của Tổng Thư ký LHQ António Guterres về tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) sẽ là cơ sở của các cuộc thảo luận. Báo cáo lưu ý, năm 2020 đánh dấu sự khởi đầu của “một thập kỷ hành động và đem đến sự phát triển bền vững”.

Theo đó, cuộc khủng hoảng toàn cầu do sự lây lan của đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến những mục tiêu này, với những hệ thống y tế bị quá tải, doanh nghiệp ngừng hoạt động, và 1,6 tỷ học sinh phải nghỉ học; người nghèo và những người dễ bị tổn thương phải chịu đựng gánh nặng của đại dịch, trong khi hàng chục triệu người được dự báo ​​sẽ phải đối mặt với tình trạng đói nghèo cùng cực.

Tập trung vào sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu

Bên cạnh đó, bản báo cáo thứ 2 của Tổng Thư ký LHQ tập trung vào cách tiến tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trong bối cảnh đại dịch. Trong đó, người đứng đầu LHQ vạch ra 2 chủ đề bao quát, gồm: làm giảm sự bất bình đẳng bằng cách làm cho các nền kinh tế trở nên bền vững hơn và công bằng hơn; và cam kết giảm lượng khí thải CO2 “nhanh chóng và bền vững”.

Chủ đề đầu tiên được mô tả như một chiến lược chính để giảm nghèo toàn cầu. Tiến trình giảm nghèo đã được ghi nhận chậm lại trong những năm gần đây; và dự kiến ​​chỉ riêng trong năm 2020, đại dịch có thể dẫn đến 49 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói.

Cũng theo báo cáo nói trên, việc cải thiện phân phối thu nhập có thể tạo ra một tác động lớn, không chỉ trong việc giữ mọi người ở trên mức nghèo khổ, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Ngoài ra, giảm lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác đóng vai trò rất cần thiết nếu mục tiêu của cộng đồng quốc tế là hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng đến mức 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp. Các chính sách và chiến lược hiện đang được áp dụng không đi đủ xa và có nguy cơ thực sự sẽ vượt quá mục tiêu này một cách đáng kể.

Trong báo cáo, Tổng Thư ký LHQ tuyên bố, hành động khí hậu đầy tham vọng và ngay lập tức là con đường khả thi duy nhất có thể hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, trong khi bảo vệ con người, sinh kế và các hệ sinh thái tự nhiên. Hành động như vậy cũng sẽ cho thấy lợi ích kinh tế ròng hữu hình, tiết kiệm cho nền kinh tế toàn cầu hàng chục nghìn tỷ USD.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và sự đoàn kết trong việc phục hồi sau khủng hoảng, “một phản ứng đa phương quy mô lớn, phối hợp và toàn diện” sẽ tương đương với ít nhất 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Ông António Guterres cũng đưa ra triển vọng về một nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch “xây dựng lại tốt hơn” với các biện pháp nhằm giảm nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai, và đưa thế giới đến gần hơn để đạt được Chương trình Nghị sự 2030.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN News)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu
Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.