Thứ Tư, 10/10/2018 10:24 (GMT+7)
Singapore là nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định RCEP
Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho biết, Singapore ngày 9/4 đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trở thành quốc gia đầu tiên làm điều này.
Singapore là nước đầu tiên phê chuẩn hiệp định RCEP. Ảnh minh họa: VOV
RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, với sự tham gia của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng 5 nước đối tác bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing cho biết: “Việc Singapore nhanh chóng phê chuẩn hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là dấu hiệu cho cam kết mạnh mẽ của Singapore trong việc tăng cường các mối liên kết kinh tế và thương mại với các đối tác, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân Singapore. Chúng tôi mong muốn các quốc gia tham gia RCEP cũng sẽ triển khai hành động như Singapore để thúc đẩy hiệp định có hiệu lực”.
MTI cho biết Singapore đã gửi văn kiện phê chuẩn của mình lên Tổng thư ký ASEAN.
Trang CNA đăng tải, RCEP đã được 15 quốc gia tham gia ký kết vào tháng 11/2020. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho hay: “RCEP là một bước tiến lớn của thế giới vào thời điểm chủ nghĩa đa phương đang mất dần chỗ đứng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại”.
Chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và bao phủ gần 1/3 dân số thế giới, hiệp định này sẽ bổ sung vào mạng lưới các FTA của Singapore và thúc đẩy dòng chảy thương mại, cũng như đầu tư của nước này.
Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể mong đợi được hưởng lợi từ ưu đãi loại bỏ thuế quan trung bình khoảng 92%, kết hợp với các quy tắc xuất xứ hợp lý để có thể linh hoạt hơn trong việc tận dụng các lợi ích ưu đãi khi tiếp cận thị trường.
Trong một thông tin có liên quan, hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực sau khi 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 đối tác FTA ASEAN phê chuẩn.
Các quốc gia đang nhắm mục tiêu khiến hiệp định có hiệu lực vào ngày 1/1/2022.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)