Thứ Năm, 06/02/2020 17:19 (GMT+7)
Tiềm tàng rủi ro trong sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi du lịch
Sự hồi sinh của ngành du lịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Thái Bình Dương vào năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19, cùng với giá cả hàng hóa tăng cao và biến đổi khí hậu đang là những yếu tố tiếp tục tạo nên rủi ro, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết.
Khu vực Thái Bình Dương tăng trưởng nhờ sự phục hồi trong ngành du lịch. Ảnh minh họa: TTXVN/VTV News
Sau khi kinh tế suy giảm 0,6% vào năm 2021, báo cáo Giám sát Kinh tế Thái Bình Dương (PEM) của ADB vừa công bố chỉ ra rằng, Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay và tăng lên đến 5,4% trong năm 2023. Sự thay đổi này phản ánh lượng du khách ngày càng tăng đang đến các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Quần đảo Cock, Fiji và Palau...
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo PEM, xung đột Nga – Ukraine cũng mang lại rủi ro cho tiểu vùng thông qua việc tăng chi phí nhập khẩu và vận tải, lạm phát tăng mạnh, đồng thời gia tăng thâm hụt thương mại và tài khóa trên khắp Thái Bình Dương. Các rủi ro khác đối với sự phục hồi của Thái Bình Dương bao gồm lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và một số thách thức trong tiến trình triển khai vaccine, cũng như tính dễ bị tổn thương của khu vực đối với biến đổi khí hậu và thiên tai.
“Triển vọng này đối với Thái Bình Dương là đáng hoan nghênh sau hơn 2 năm tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song rủi ro đáng kể đối với khu vực vẫn còn. Điều quan trọng là các đối tác phát triển, các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách phải phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo tiến trình phục hồi vẫn tiếp tục được diễn ra”, Tổng Giám đốc ADB phụ trách Thái Bình Dương Leah Gutierrez cho hay.
Được biết, báo cáo PEM xác định các nền kinh tế Thái Bình Dương là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu và thiên tai. Tác động của những cú sốc này, cộng với ảnh hưởng của đại dịch và giá cả hàng hóa tăng vọt là khá lớn. Đảm bảo tăng trưởng bền vững sẽ phụ thuộc vào việc đầu tư vào khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai, song chi phí có thể vượt quá nguồn lực của chính phủ. Tuy vậy, nhìn chung, tiếp tục nỗ lực tăng cường quản lý tài chính công sẽ hỗ trợ tính bền vững tài khóa, khôi phục vùng đệm nguồn nhân lực và tái thiết lập nền tảng vững chắc cho những cuộc khủng hoảng tiềm tàng sắp tới.
Đan Lê (Lược dịch từ ADB News)