Thứ Bảy, 04/04/2020 15:55

World Bank: Lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao trên toàn thế giới

Trong bản Cập nhật An ninh Lương thực vừa được công bố ngày 3/10, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8/2022, tình trạng lạm phát cao được ghi nhận ở hầu hết các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Hạn chế thương mại làm bùng phát cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất thập kỷCăng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá lúa mì, dầu ăn tăng mức cao kỷ lụcGia tăng lạm phát lương thực trong khu vực châu Á đang phát triển

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Pháp. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Cụ thể, 88,2% các quốc gia có thu nhập thấp, 91,1% các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và 93% các quốc gia có thu nhập trên trung bình đã chứng kiến ​​mức lạm phát trên 5%, thậm chí nhiều nước có mức lạm phát lên đến hai con số.

Không chỉ vậy, tỷ lệ các nước thu nhập cao phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao cũng tăng mạnh, với khoảng 82,1% các nước ghi nhận lạm phát giá lương thực tăng cao.

World Bank cho biết so với 2 tuần trước, chỉ số giá nông sản hiện đã giảm hơn 3 điểm phần trăm. Cũng theo báo cáo của ngân hàng này, giá lúa mì, ngô và gạo trung bình trong tháng 9/2022 lần lượt cao hơn 20%, 29% và 8% so với tháng 9/2021. Trong khi đó, giá lúa mì và giá ngô lần lượt cao hơn 33% và 30% và giá gạo thấp hơn 12% so với thời điểm tháng 1/2021.

Đáng chú ý, sau một số đợt giảm giá nhẹ vào mùa hè năm nay, giá phân bón đang bắt đầu tăng trở lại. Ngoài việc giá năng lượng tăng cao, thì các biện pháp chính sách như giới hạn xuất khẩu đã hạn chế lượng phân bón toàn cầu sẵn có.

Những phân tích của World Bank cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi mô hình toàn cầu về thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo cách sẽ giữ giá duy trì ở mức cao cho đến cuối năm 2024, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và lạm phát.

Thực tế, giá lương thực cao đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến hàng triệu người khác rơi vào cảnh nghèo cùng cực, làm gia tăng nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng. Theo đó, số người đang gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và sẽ cần được hỗ trợ khẩn cấp có khả năng tăng lên 222 triệu người ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, World Bank cảnh báo.

Một trong những vấn đề đáng chú ý được quan sát thấy là kể từ khi diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, các chính sách liên quan đến thương mại mà các nước áp đặt đã tăng mạnh. Ngân hàng này cho rằng cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn một phần bởi số lượng ngày càng tăng các biện pháp hạn chế thương mại lương thực mà các quốc gia đã và đang áp dụng - một biện pháp mà các nước cho là để tăng nguồn cung trong nước và giảm giá mặt hàng đó.

Theo báo cáo của World Bank, tính đến ngày 29/9 vừa qua, 20 quốc gia đã thực hiện 29 lệnh cấm xuất khẩu lương thực, và 6 quốc gia đã thực hiện 12 biện pháp hạn chế xuất khẩu.

Hành động của World Bank

Là một phần của phản ứng toàn diện trên quy mô toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực đang diễn ra, Nhóm Ngân hàng Thế giới đang cung cấp tới 30 tỷ USD trong thời gian 15 tháng cho các lĩnh vực như nông nghiệp, dinh dưỡng, bảo trợ xã hội, nước và thủy lợi. Nguồn tài chính này sẽ bao gồm các nỗ lực khuyến khích sản xuất lương thực và phân bón, tăng cường hệ thống lương thực, tạo thuận lợi cho các giao dịch thương mại quy mô lớn hơn và hỗ trợ các hộ gia đình và những người sản xuất dễ bị tổn thương.

Trong số các dự án hỗ trợ của World Bank, đáng chú ý có chương trình phục hồi hệ thống lương thực trị giá 2,3 tỷ USD cho các quốc gia ở Đông và Nam Phi, giúp các nước này tăng khả năng phục hồi của hệ thống lương thực trong khu vực và khả năng giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực đang ngày càng nghiêm trọng. Chương trình sẽ tăng cường ứng phó với khủng hoảng lương thực giữa các cơ quan, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực trung và dài hạn cho sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, mở rộng tiếp cận thị trường và tập trung nhiều hơn vào khả năng chống chịu của hệ thống lương thực trong việc hoạch định chính sách.

Trước đó, hồi tháng 5, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Đoàn Chủ tịch G7 đã đồng triệu tập Liên minh Toàn cầu về An ninh Lương thực, nhằm mục đích thúc đẩy các phản ứng ngay lập tức và có tính phối hợp đối với cuộc khủng hoảng nạn đói toàn cầu đang diễn ra.

Ngoài ra, giới lãnh đạo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra Tuyên bố chung thứ hai về “Cuộc khủng hoảng dinh dưỡng và an ninh lương thực toàn cầu” vào tháng trước, kêu gọi hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trên toàn thế giới. Đây là lần thứ 2 cộng đồng quốc tế ra tuyên bố chung về vấn đề này, sau khi tuyên bố chung đầu tiên được đưa ra hồi tháng 4 đã đem lại những tiến bộ đáng kể. Theo đó, các biện pháp trợ giúp xã hội được công bố hoặc thực hiện trên tất cả các nền kinh tế tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng 4-9/2022. Đồng thời, hỗ trợ tài chính quốc tế cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất cũng đang tăng lên từ nhiều sáng kiến khác nhau.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ World Bank)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

LHQ đánh giá hiệu quả thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen
LHQ đánh giá hiệu quả thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo ngày 13/1 cho rằng thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua các cảng ở Biển Đen tiếp tục đạt hiệu quả, thể hiện qua việc giá lương thực toàn cầu giảm.

Lạm phát và 3 kịch bản điều hành giá
Lạm phát và 3 kịch bản điều hành giá

Năm 2023, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái ngày càng rõ nét hơn. Vậy áp lực lạm phát nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?