Thứ Năm, 23/10/2014 13:35

Bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử bị phạt tới 80 triệu đồng

Cục Thuơng mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương đề nghị các thương nhân, tổ chức và cá nhân thực hiện các biện pháp kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website thương mại điện tử.

Cơ quan quản lý yêu cầu rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website thương mại điện tử

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (TMĐT và CNTT - Bộ Công Thương) vừa có thông báo yêu cầu rà soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm và hàng hạn chế kinh doanh trên website thương mại điện tử.

Theo đó, nhằm đẩy mạnh công tác rà soát thông tin hàng giả, hàng nhái và mặt hàng cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh (sản phẩm vi phạm), Cục TMĐT và CNTT đề nghị các thương nhân, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiều biện pháp như: Kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm trên website và ứng dụng thương mại điện tử.

Triển khai các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động những thông tin sản phẩm vi phạm pháp luật thông qua việc chặn từ khóa (một số từ khóa như “fake”, “super fake”, “nhái”...) hay kiểm duyệt bằng nhân sự,...

Triển khai các biện pháp xử lý khi phát hiện hay nhận được phản ánh về sản phẩm vi phạm hoặc hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật khác trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Cùng với đó, Cục TMĐT và CNTT cho biết sẽ mạnh tay với các doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử nếu không thực hiện nghĩa vụ của mình. Trong đó, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 40 triệu đến 80 triệu đồng (theo quy định tại Điều 83 của Nghị định 124/2015/NĐ- CP) nếu vi phạm.

Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Tuy nhiên, theo dữ liệu khiếu nại trong năm 2016 và quý I/2017 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra rất phổ biến.

Đáng lưu ý, ngay từ khi xuất hiện tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên các trang thương mại điện tử đã là một trong những nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Sự thiếu tin tưởng vào việc mua bán trên mạng cũng như việc thanh toán tiền hàng trực tuyến đã trở thành thách thức chính khiến thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thể nào thực sự cất cánh. Hàng giả, hàng nhái được bày bán công khai, song để ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử cũng không hề đơn giản.

Theo một chuyên gia từng phân tích, khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng bị rơi vào ma trận giữa trang web bán hàng được cấp phép và chưa được cấp phép, giữa loại hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hàng giả, hàng nhái, giữa nhãn hiệu có và không tham gia bán hàng trên mạng, giữa món hàng ảo chỉ có trên hình ảnh và chất lượng thật.

Cái khó trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này, theo các chuyên gia, là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể, vì nếu không nơi kinh doanh sẽ “chối ngay”. Vấn đề nằm ở chỗ hàng hoá trên mạng không “sờ, nắm” để kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này (nếu là hàng giả, hàng nhái) đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Mới đây, Cục Quản lý Cạnh tranh cũng đã đưa ra một số lưu ý trong quá trình mua sắm trực tuyến an toàn, người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…);

Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua: người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng...

Theo Dân trí

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các quốc gia đặt mục tiêu củng cố thỏa thuận WTO về thương mại điện tử
Các quốc gia đặt mục tiêu củng cố thỏa thuận WTO về thương mại điện tử

Ngày 20/1, các quốc gia tham gia vào một nỗ lực nhằm phát triển các quy tắc quốc tế để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử vừa có cuộc gặp bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 53 (WEF 53) ở Davos, Thụy Sỹ, nơi họ nhất trí nhắm mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán có tính chất quan trọng về thỏa thuận này vào cuối năm 2023.