Thứ Ba, 28/05/2019 09:53

Cá đặc sản nuôi đầm phá bị chết

Nguồn nước ao hồ bị ngọt hoá, nhiều yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép khiến thuỷ sản nuôi vụ đông bị dịch bệnh, chết, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Thủy sản nuôi ở nhiều nơi chết do dịch bệnhTôm nuôi bị chết nhiều nơiMôi trường nhiều vùng nuôi thủy sản thay đổi đột ngộtCá đặc sản chết gây thiệt hại lớn

Vùng nuôi cá mú, bớp, đuối... trên đầm phá Vinh Hiền, Lộc Bình (Phú Lộc) đang ngọt hoá

Mưa lớn kéo dài trong thời gian qua cộng với sự thiếu chủ động ứng phó của người dân khiến thuỷ sản nuôi không thể thích nghi với điều kiện môi trường. Môi trường xáo trộn, thay đổi đột ngột nên từ ngày 27 đến sáng 28/11 nhiều ao hồ, lồng nuôi cá tiếp tục chết, trong đó cá đặc sản như cá dìa, cá nâu bị chết có nguy cơ tăng.

Sau hàng chục ao hồ nuôi tôm trên cát ven biển ở Ngũ Điền (Phong Điền) có tôm bị chết, những ngày này, nhiều ao hồ nuôi cá trên vùng đầm phá cũng bắt đầu có dấu hiệu cá chết và có nguy cơ chết trên diện rộng bắt đầu từ ngày 27-28/11, do mưa lớn, nguồn nước tiếp tục bị ngọt hoá.

Ông Nguyễn Thiện ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc) cho biết, gần đây tại một số ao nuôi ương dưỡng cá dìa, cá nâu tại địa phương có hiện tượng cá lờ đờ bỏ ăn, lở loét và chết. Mặc dù đã triển khai các biện pháp xử lý, bảo vệ thuỷ sản theo kinh nghiệm và hướng dẫn của các ban ngành nhưng tình trạng cá chết vẫn chưa dừng lại, thậm chí đang ngày càng tăng.

Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng, ông Nguyễn Quang Huy xác nhận, trên địa bàn có đến hàng chục ao hồ, lồng nuôi cá đặc sản như dìa, nâu bị chết, có nguy cơ thiệt hại lớn. Hiện tượng này diễn ra tại xã Vinh Hiền (Phú Lộc) và một số vùng nuôi cá trên vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh. Các địa phương đang tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ thuỷ sản, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý môi trường nhằm ngăn chặn hiệu quả tình trạng tôm, cá chết do mưa lũ.

Người dân xử lý môi trường, chăm sóc thuỷ sản nuôi trên đầm phá

Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Sịa (Quảng Điền), ông Nguyễn Ngọc Tiến khẳng định, số lượng cá chết đang bắt đầu tăng dần trong những ngày gần đây, nhất là từ chiều tối 27 đến sáng 28/11 do xuất hiện mưa lớn, nguồn nước đầm phá tiếp tục bị ngọt hoá, độ mặn giảm sâu. Địa phương đang tiếp tục nắm bắt, theo dõi số ao nuôi thuỷ sản bị bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời theo sự hướng dẫn của Chi cục Thuỷ sản, không để lây lan diện rộng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Võ Giang thông tin, những ngày qua xảy ra mưa lớn trên diện rộng làm môi trường nước vùng đầm phá đang bị ngọt hóa sâu và kéo dài. Tình trạng này cũng xuất hiện ở các vùng cửa biển Vinh Hiền và Thuận An. Kết quả quan trắc môi trường tại nhiều điểm trên vùng nuôi trồng thủy sản đầm phá cho thấy độ mặn rất thấp; trong đó, độ mặn tại một số điểm, như Cồn Đâu, xã Hải Dương (TP. Huế), Tân Lập, thị trấn Sịa gần như về 0.

Độ mặn giảm sâu, quá thấp như hiện nay không đảm bảo nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, nguy cơ xảy ra tình trạng tôm, cá chết là điều khó tránh khỏi. Theo ông Giang, mưa lớn nhưng nhiệt độ nước vùng đầm phá lại khá cao, có vùng vượt quá giới hạn cho phép đến gấp đôi nên tại một số nơi như thị trấn Sịa, xã Giang Hải và Vinh Hiền (Phú Lộc) xảy ra hiện tượng “phú dưỡng” gây hại cho thuỷ sản nuôi.

Liên quan tình trạng tôm bệnh đen mang ở Ngũ Điền gây thiệt hại lớn được Chi cục Thuỷ sản nghiên cứu, xác định gan có dấu hiệu tổn thương về bệnh lý và nghi nhiễm chủng vi khuẩn, nấm, nhiều ký sinh trùng trong mang tôm. Chi cục khuyến cáo người dân theo dõi các chỉ tiêu môi trường, đặc biệt là độ mặn. Nhiều vật chất hữu cơ trong nước vào mùa mưa thường dẫn đến các loại ký sinh trùng bám vào mang và phần phụ của tôm, cá ảnh hưởng đến hô hấp và chết.

Dự báo, những ngày đến trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to trên diện rộng làm vật chất hữu cơ trong nước tăng cao, nhiệt độ giảm thấp. Các cơ sở nuôi tôm chân trắng, nuôi ốc hương trên cát ven biển cần có ao chứa nước theo đúng quy định của nuôi thâm canh, bán thâm canh. Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật, xử lý nước và cân bằng các chỉ tiêu môi trường nước giữa ao chứa và ao nuôi trước khi cấp bổ sung hoặc thay nước; bổ sung vitamin C và các dinh dưỡng tăng cường sức khỏe vật nuôi…

Bài, ảnh: Triều Giang

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiến trúc sư đến từ vùng đầm phá
Kiến trúc sư đến từ vùng đầm phá

Tài năng cộng với những nỗ lực không ngừng, Lê Anh Tài, người con của vùng đầm phá Lộc Điền (Phú Lộc) đã gặt hái nhiều thành công vượt bậc với niềm đam mê thiết kế kiến trúc.

Ngư Mỹ Thạnh hồn hậu trong Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân
Ngư Mỹ Thạnh hồn hậu trong Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân

Các tập của “Làng chài cha cha cha” tại Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi, Quảng Điền) của Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân mùa 2 (XHTĐRLX2) vừa lên sóng thu hút sự quan tâm của người mê nhạc trẻ. Trong không gian êm đềm bao la của sóng nước Tam Giang, chương trình lấy đi nhiều nước mắt của khán giả với bài hát ngợi ca tình cảm gia đình, quê hương…