Thứ Sáu, 22/09/2017 06:45

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là mong muốn của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn trước áp lực doanh thu sụt giảm.

Giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởngDoanh nghiệp tìm cách vượt khóGiải pháp cho doanh nghiệp trước đại dịch COVID-19

Các ngân hàng đều triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19

Doanh thu giảm

Mọi năm thời điểm sau tết, Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Hồng Đức (Công ty CP Hồng Đức) đón hàng trăm học viên đăng ký các lớp nghiệp vụ kế toán, hành chính văn phòng, văn thư lưu trữ, kế toán thuế…

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Công ty CP Hồng Đức thông tin, từ sau tết, do ảnh hưởng COVID-19, hệ thống đào tạo của công ty hầu như “đóng băng”. Hệ thống nhà sách, máy bán hàng nguồn thu cũng giảm 50%. Doanh thu quý I ước tính giảm 60% so với cùng kỳ. Nguồn thu giảm nhưng lương, bảo hiểm đều chi đầy đủ khiến DN đuối sức.

Tuy nhiên, đây chưa phải là ngành hàng chịu tác động nặng nề nhất do dịch, theo giới chuyên môn du lịch và các dịch vụ đi kèm mới là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề. Chỉ trong tháng 2/2020, lượng khách lưu trú khi đến Huế giảm 15 - 20%, riêng dòng khách Mice (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện…) hầu như hủy 100%. Tổng thiệt hại trong tháng 2/2020 trên 40 tỷ đồng

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, dự báo trong tháng 3, lượng khách lưu trú có thể giảm thêm hơn 30%. Tổng giá trị thiệt hại của ngành du lịch ở mảng lưu trú và lữ hành ước tính trên 35 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tháng 2, 3, mảng lưu trú, lữ hành đã thiệt hại trên 75 tỷ đồng.

Nhà sách Hồng Đức lượng giao dịch giảm 50%

Trước những khó khăn trên, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là mong muốn của nhiều DN trên địa bàn trước áp lực doanh thu sụt giảm do dịch.

Nói như ông Trần Minh Đức, DN đang cần sự đồng hành từ phía ngân hàng… Nếu DN được cứu cũng đồng nghĩa ngân hàng đang tự củng cố niềm tin, cứu mình trước nguy cơ nợ xấu.

Nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay

Trước những khó khăn trên, hầu hết các ngân hàng đều có những động thái tích cực tiếp sức cho khách hàng, DN thông qua việc bổ sung các khoản vay ưu đãi với lãi suất hỗ trợ.

Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)-Chi nhánh Thừa Thiên Huế thừa nhận, DN đang gặp rất nhiều khó khăn và chia sẻ với khó khăn ấy chính là tự cứu mình.

Hiện, BIDV đang triển khai gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng DN hiện hữu của BIDV có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Với gói tín dụng này, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất, đảm bảo không thấp hơn sàn lãi suất cho vay của BIDV trong từng thời kỳ.

Trước đó, BIDV cũng triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, thiệt hại.

Các ngân hàng khác cũng có khá nhiều chương trình, gói vay ưu đãi thiết thực hỗ trợ khách hàng trong thời điểm “khủng hoảng” do dịch.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - Chi nhánh Thừa Thiên Huế, hiện Sacombank đang triển khai gói vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2%/năm dành cho khách hàng cá nhân, DN vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào phương án kinh doanh và sử dụng nguồn vốn, khách hàng có thể vay vốn ngắn hạn với lãi suất tối thiểu 6,5%/năm đối với DN và 8,5%/năm đối với cá nhân.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đang tổng hợp các thống kê thiệt hại từ phía DN để đưa ra các giải pháp phù hợp dựa trên các giải pháp mà NHNN Việt Nam yêu cầu, nhằm chung tay giảm thiểu tác động bất lợi của dịch bệnh cho nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Theo đó, ngày 11/3, NHNN tỉnh đã có công văn gửi Hiệp hội DN tỉnh và các đơn vị liên quan phối hợp nắm bắt tình hình dư nợ tín dụng, sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch COVID-19. Đồng thời, nắm bắt nguyện vọng cũng như đề xuất kiến nghị của DN xung quanh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Nội dung trên áp dụng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ 23/01/2020 đến 31/3/2020.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.