Thứ Sáu, 20/12/2013 09:23

Chính sách hỗ trợ đến tay ngư dân

Các chính sách hỗ trợ gần như đã đến tay hầu hết ngư dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển thời gian qua, góp thêm động lực giúp ngư dân bám biển, chuyển đổi mô hình sản xuất.

Không để chậm trễ

Tại huyện Phú Lộc, địa phương có nhiều xã bị thiệt hại do hải sản chết, đến nay, gần như 100% đã được hỗ trợ, gồm: Vinh Mỹ, Vinh Hải, Vinh Hiền, Lộc Bình, Lộc Điền, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Tổng số tiền ngư dân được nhận là 5,872 tỷ đồng và 250 tấn gạo, trong đó, 5,175 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.256 tàu, thuyền. Số tiền còn lại được hỗ trợ cho người nuôi.

Ngư dân Lộc Vĩnh vui vẻ ra khơi

Riêng xã Lộc Vĩnh, địa phương được hỗ trợ nhiều nhất với 2,016 tỷ đồng và 97 tấn gạo. Ngư dân Trần Đức Thuận phấn khởi: “Được Nhà nước quan tâm, gia đình chúng tôi được hỗ trợ 5 triệu đồng. Với số tiền này, chúng tôi dùng mua dầu đi biển hàng ngày”.

Về những thông tin chậm hỗ trợ cho người dân mà một số phương tiện thông tin đại chúng đưa thời gian gần đây, ông Mai Văn Xỉ, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc khẳng định, chưa chính xác. Vì nhiều lý do khách quan, phải chờ hỗ trợ gạo xong rồi mới hỗ trợ tiền, thủ tục nhận tiền từ huyện về xã, thị trấn cần thời gian nhất định nên mới xảy ra sự việc như vừa qua. Song, nhìn chung, tiến độ vẫn đảm bảo, kịp thời động viên ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau một thời gian tạm thời ngưng đi biển, hiện tất cả các địa phương trong huyện đã bắt đầu vươn khơi. Dù còn khó về đầu ra và giá bán thấp hơn so với trước, song người dân vẫn có thu nhập ổn định.

Cũng liên quan đến vấn đề chậm hỗ trợ cho người dân, ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh giải thích: “Quyết định hỗ trợ được UBND huyện ký ngày 23/5/2016, phải mất 7-10 ngày để làm các thủ tục như đối chiếu danh sách, làm việc với kho bạc mới có thể nhận tiền để phát cho người dân. Khi tiền về là chúng tôi phát liền”.

Công khai, đúng đối tượng

Tại huyện Phong Điền, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngay sau khi tỉnh tổ chức họp triển khai hỗ trợ cho ngư dân (vào sáng 13/5), thì ngay chiều cùng ngày, huyện tổ chức buổi làm việc giữa các ngành liên quan với các xã: Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc, Điền Hương chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ đúng quy định. Theo đó, UBND huyện yêu cầu các xã liên quan khẩn trương tiến hành họp các hộ bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường để thực hiện việc kê khai, niêm yết công khai và tổng hợp số lượng tàu, thuyền, hộ, nhân khẩu bị ảnh hưởng trên địa bàn các xã. Việc hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, kịp thời, đúng đối tượng.

Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho ngư dân thị trấn Lăng Cô

Quá trình kê khai, rà soát tại 4 xã ven biển thuộc địa bàn, huyện Phong Điền có 151 ghe, thuyền bị ảnh hưởng. Trong đó, có 57 ghe, thuyền không lắp máy, 94 ghe, thuyền lắp máy có công suất dưới 90 CV, với số hộ bị ảnh hưởng là 321 hộ, 1.592 nhân khẩu. UBND huyện Phong Điền đã trích ngân sách số tiền 669.500.000 đồng và phân bổ 35.850 kg gạo từ nguồn gạo của tỉnh để hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng theo quy định và hoàn thành trước ngày 20/5/2016, giúp ngư dân yên tâm ra khơi, tiếp tục việc đánh bắt và nuôi trồng hải sản.

Ông Bình cho biết thêm, quá trình hỗ trợ, UBND huyện chưa nhận  bất cứ đơn thư khiếu nại, khiếu kiện nào. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện huyện đã thống kê, rà soát để đề nghị tỉnh hỗ trợ bổ sung thêm 120 hộ, với 426 nhân khẩu, tương đương 22,5kg gạo/khẩu để tiếp tục hỗ trợ ngư dân trong thời gian tới.

Cùng với việc tổ chức thu gom, chôn lấp hải sản chết, xử lý môi trường, đến thăm hỏi, động viên bà con, UBND huyện Phú Vang cùng các ngành chức năng của huyện đã phối hợp rà soát, thống kê mức độ thiệt hại của ngư dân để đề xuất biện pháp hỗ trợ. Khẩn trương phân bổ các nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và nhiều tổ chức, ban, ngành… đến từng hộ ngư dân.

Huyện đã tạm trích gần 6 tỷ đồng vào cuối tháng 5, hỗ trợ khẩn cấp cho những gia đình có thiệt hại tại 7 xã, thị trấn trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, công bố kết quả quan trắc nhằm thông tin các tiêu chí trong các mẫu nước ven biển đều đạt quy chuẩn cho phép, chất lượng nguồn nước biển không bị nhiễm độc để ngư dân yên tâm sản xuất, người dân mạnh dạn đưa cá trở lại với bữa ăn gia đình.

Đối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ ở bãi biển còn nhiều khó khăn do lượng khách và người dân về tắm biển so với trước đây sụt giảm, huyện Phong Điền đang tiến hành tổng hợp các trường hợp xin giảm thuế, tiền thuê mặt bằng của các hộ kinh doanh tại các bãi tắm để xem xét giải quyết, chia sẻ khó khăn cùng bà con.

Nhóm phóng viên

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phái yếu ra khơi
Phái yếu ra khơi

Dong thuyền ra biển giờ đây không còn dành riêng cho đàn ông. Với nhiều gia đình ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), điều khiển thuyền đi đánh bắt xa bờ (ĐBXB) đã trở thành nghề chính của phụ nữ.

Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển
Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển

Trưa 25/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng Phong Hải phối hợp với gia đình nạn nhân vừa tìm thấy thi thể ngư dân Nguyễn Văn Siêu trôi dạt vào bờ biển xóm Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền.

Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sau hơn 5 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, 28 tỉnh ven biển trong cả nước vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức trong khai thác hải sản tuân thủ quy định pháp luật. Bằng sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, cùng với lực lượng biên phòng, nghề cá đã đồng loạt thực hiện chống khái thác bất hợp pháp, không theo quy định trong năm 2023.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.