Thứ Ba, 13/01/2015 13:55

Điều kiện kinh doanh vẫn 'hành' doanh nghiệp

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, hiện tại Việt Nam có 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn hàng nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) dưới dạng “con”, “cháu”, tạo ra rào cản pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN), khiến quá trình cải thiện môi trường kinh doanh chưa được như kỳ vọng.

Doanh nghiệp mất cơ hội

Bà Cao Minh Trúc, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô cho biết, có nhiều điều kiện là các tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra trong lĩnh vực du lịch rất vô lý. Ví dụ như để được cấp phép tiêu chuẩn 5 sao phải có sân tennis, spa... khiến DN phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đáp ứng yêu cầu mà hiệu quả sử dụng thấp.

“Tôi không hiểu tại sao lại quy định cứng nhắc như vậy, khi bên cạnh chúng tôi có 2 sân golf, sân tennis xây dựng lên không có người sử dụng, nhiều khách sạn phải xây sân tennis để đáp ứng yêu cầu rồi phải đập bỏ vì duy trì vừa tốn diện tích, vừa lãng phí vì không có người dùng”, bà Trúc cho hay.

Cùng với đó, trong quy định của Việt Nam không có ngành nghề Spa, chỉ có ngành nghề xoa bóp. Doanh nghiệp của bà Trúc đã phải thuê chuyên gia nước ngoài với đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp về spa nhưng để hoạt động ở Việt Nam vẫn phải đi học lớp nghiệp vụ 3 tháng mới được cấp phép hoạt động.

Đó là chưa kể đến hàng rào kỹ thuật và giấy phép con rất “khủng khiếp”, để được cấp phép đạt tiêu chuẩn 5 sao, DN phải đi xin tới 3 loại giấy phép con gồm ngành nghề kinh doanh đặc biệt, giấy đủ điều kiện an ninh trật tự trong spa và giấy phép cho hoạt động lưu trú.

Cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” với ĐKKD, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho biết, công ty ông là một DN hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và kinh doanh ô tô. Đây lĩnh vực nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện các DN hoạt động trong lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu về ĐKKD ngày càng khắt khe.

Ông Tuấn cho biết, khi có thông tin sửa đổi Thông tư 20 về điều kiện nhập khẩu và kinh doanh ô tô cách nay 1 năm, nhiều DN nhỏ và vừa đã kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội để tham gia thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy.

“Theo dự thảo mới, với yêu cầu hãng xe phải xác nhận cơ sở được cam kết bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi của hãng...đã kiến các doanh nghiệp trong nước mất cơ hội tham gia thị trường. Các doanh nghiệp chúng tôi có thể đáp ứng điều kiện của nhà nước nhưng không đáp ứng được điều kiện của nhà sản xuất thì cũng “chết”. Thị trường ô tô Việt Nam sẽ giao hoàn toàn cho các hãng nước ngoài được độc quyền nhập khẩu và người tiêu dùng sẽ phải chịu hậu quả đầu tiên”, ông Tuấn cho biết.

Kinh doanh gas là một trong những ngành kinh doanh có điều kiện . Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Nhiều điều kiện kinh doanh “ẩn mình”

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) , ĐKKD ngày càng “tinh vi”. Bởi còn có rất nhiều quy định bất hợp lý “ẩn mình” trong các văn bản pháp luật khác đang cản trở hoạt động kinh doanh của DN. Ví dụ: nhiều ngành, nghề kinh doanh không cần giấy phép nhưng phải có thông báo giá; chứng chỉ giấy xét nghiệm, giấy ủy quyền, dán tem cho sản phẩm…

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng sở dĩ có tình trạng như vậy do thói quen quản lý, rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước muốn đặt ra giấy phép để dễ dàng trong quản lý của mình. Cùng với đó, có bóng dáng của lợi ích, bởi đằng sau ĐKKD là những trung tâm xét nghiệm, những nơi được cấp phép, chứng chỉ… để thu phí.

“Do những quy định kinh doanh bất hợp lý nên hiện có nhiều doanh nghiệp lựa chọn cách thành lập kinh doanh ở nước ngoài để rồi quay trở về Việt Nam hoạt động nhằm “lách” quy định của Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.

Còn theo ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ciem), danh sách 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là quá rộng và vẫn chung chung, bởi có những ngành nghề chưa xác định thế nào là ảnh hưởng cộng đồng sức khỏe, an ninh quốc gia.

Vì vậy, khi xác định các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần phải có nghiên cứu đánh giá tác động các đối tượng liên quan, đồng thời rà soát các quy định về ĐKKD bị biến tướng, nằm trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Theo ông Lê Xuân Hiền, thành viên tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, bên cạnh việc chỉ ra những ĐKKD bất hợp lý, cần xem xét việc công bố, công khai các ĐKKD khác đã được thực hiện như thế nào.

“Doanh nghiệp kêu ca nhiều về các ĐKKD bất hợp lý đã đành nhưng còn khổ hơn về việc không nắm được hết để tuân thủ từng ĐKKD, từ bước nào đến bước nào, hình dung cả một quy trình để kinh doanh được chứ không phải là các ĐKKD lẻ tẻ ở mỗi chỗ - mỗi ngành một ít, không có sự lắp ghép với nhau, làm khó, làm khổ DN rất nhiều. Điều này đồng nghĩa là chi phí tăng rất cao, đi liền với những nhiễu làm khó là có thật chứ không phải nguy cơ...”, ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ
“Bà đỡ” cho doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ

Lấy doanh nghiệp (DN) làm trung tâm đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) là phương châm của tỉnh, của ngành nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng điểm và hình thành, phát triển các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu có khả năng cạnh tranh về chất lượng, giá thành, thị trường tiêu thụ.

Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức
Thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức

Chiều 23/2, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC), Chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”- GIZ phối hợp với HueIC tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng tư vấn nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn CHLB Đức tại Thừa Thiên Huế. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện 16 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu nguồn nhân lực ngành Cơ điện tử đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các giảng viên chuyên ngành Cơ điện tử tại HueIC.