Thứ Bảy, 13/06/2020 08:25

Hải quan đổi mới để nâng cao hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam

Trên cơ sở dữ liệu thống kê của ngành, Tổng cục Hải quan dự kiến đến tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc 700 tỷ USD và xuất siêu thương mại dự báo trên 10 tỷ USD.

Tăng trưởng thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩuBắt kịp xu hướng để gia tăng xuất khẩu vào thị trường EUChương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa

Hơn 99% tờ khai hải quan đã được số hóa phục vụ quản lý hải quan và thống kê hải quan. Ảnh: Vietnam+

Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo của WTO nhấn mạnh trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.

Cụ thể, năm 2021 - trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên thế giới. Kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN vượt qua cả Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Singapore.

Trên cơ sở dữ liệu thống kê của ngành, Tổng cục Hải quan dự kiến đến tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc 700 tỷ USD. Dữ liệu thống kê của ngành cũng chỉ ra trước năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu) song sang đến năm 2022. Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu thương mại dự báo đạt trên 10 tỷ USD.

Đối với thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đại diện cơ quan Hải quan Việt Nam cho biết ngành còn đảm nhận công tác theo dõi, báo cáo ra những con số ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam suốt gần 30 năm qua.

Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước những năm qua, ngành Hải quan đã có những đổi mới không ngừng với vai trò làm trung tâm trong các giao dịch thương mại. Trong đó, công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu đã thực sự trở thành một nhiệm vụ chính của ngành Hải quan.

“Số liệu thống kê do ngành Hải quan tổng hợp đã góp phần rất lớn vào sự phát triển ngoại thương Việt Nam, vừa thiết thực cho quản lý vĩ mô của Chính phủ, vừa không thể thiếu trong các quy trình tác nghiệp tự động của ngành khi chuyển đổi từ phương pháp quản lý thủ công sang phương pháp quản lý hiện đại dựa trên cơ sở quản lý rủi ro,” đại diện Hải quan chia sẻ.

Từ năm 1995, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê hải quan trên phạm vi toàn quốc. Nguồn dữ liệu chủ yếu phục vụ công tác thống kê là tờ khai hải quan và các chứng từ liên quan.

Hiện tại, hơn 99% tờ khai hải quan đã được số hóa phục vụ quản lý hải quan và thống kê hải quan.

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng hoàn toàn công nghệ thông tin trong công tác thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ thu thập đến phổ biến thông tin thống kê.

Tổng cục Hải quan thông tin đã có một hệ thống gần 30 báo cáo thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu định kỳ hàng ngày, hàng tuần, 15 ngày, hàng tháng, hàng quý và năm, các Niên giám Thống kê hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bản tóm tắt và chi tiết) và các báo cáo thống kê chuyên đề khác phục vụ công tác điều hành vĩ mô của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Theo đại diện cơ quan, số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu là đầu vào quan trọng cho công tác quản lý hải quan hiện đại, phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của ngành hải quan trong những năm vừa qua và thời gian sắp tới.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao phục vụ việc điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô và của người sử dụng thông tin, kế hoạch của ngành hải quan sẽ mở rộng các sản phẩm thống kê phục vụ các đối tượng dùng tin khác để mở rộng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hướng tới, ứng dụng dữ liệu lớn, áp dụng các mô hình toán và thuật toán phân tích dữ liệu nâng cao, trí tuệ nhân tạo để phục vụ phân tích, dự báo; hỗ trợ quản lý, điều hành, ra quyết định ở các cấp.

Trên cơ sở đó, ngành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan, trong đó có cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Theo Vietnam+

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ 'điểm nghẽn' để thúc đẩy xuất nhập khẩu

Mặc dù thủ tục hành chính ở nhiều bộ ngành liên quan đến thương mại hàng hoá xuyên biên giới đã được cải thiện, tuy nhiên doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp không ít khó khăn khi tuân thủ quy trình.