Phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão bước đầu phát huy hiệu quả. Ảnh: Tâm Huệ
Trước khi phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu chính thức hoạt động vào ba ngày cuối tuần, UBND TP. Huế đã thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu vực này khá đồng bộ, chất lượng, thẩm mỹ cao; kết hợp phát huy các lợi thế sẵn có để khai thác, sử dụng hợp lý tối ưu hệ thống hạ tầng phục vụ cho du lịch - dịch vụ - giải trí và đi bộ, bao gồm hệ thống lề - lòng đường, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh, biển báo giao thông; cùng với ngầm hóa hệ thống cấp điện, cáp quang - viễn thông, di dời giải tỏa - đền bù 1.045 mét chiều dài cho 3 tuyến phố; tổng kinh phí 50 tỷ đồng.
Rất nhiều công việc vẫn được tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung nhằm xây dựng tuyến phố thực sự văn minh kiểu mẫu, tuyến phố không rác, kinh doanh mẫu mực. Đảng ủy, UBND phường Phú Hội đã thực hiện và chỉ đạo các chi bộ, tổ dân phố cùng các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và bà con chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, chấp hành đầy đủ các quy định, quy chế đã đề ra. Từ sự ngăn nắp, an toàn trong khu vực, việc sử dụng lề đường, trang trí, vệ sinh nhà cửa, để xe, đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định đến việc sử dụng âm thanh, công khai giá các loại dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thái độ phục vụ - ứng xử văn minh; kinh doanh các hoạt động đúng mặt hàng, đúng nội dung đã quy định.
Hiện nay, tại ba tuyến phố có 110 trường hợp sử dụng vỉa hè để kinh doanh dịch vụ ẩm thực, giải khát, hàng lưu niệm, sách, hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng thời trang... Doanh số các hộ kinh doanh ở khu vực này tăng lên đáng kể, có hộ tăng 50% so với trước đây.
Sau 6 tháng hoạt động đến nay lượng khách đổ về phố đi bộ ổn định khoảng 3.000-4.000 lượt khách/đêm. Nhờ đó các dịch vụ ăn uống, mua sắm doanh thu tăng cao. Tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo.
Nhiều tổ chức, đoàn thể cũng như các ban nhạc, nhóm nhạc đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian thu hút và để lại dấu ấn: Đoàn thanh niên phường Phú Hội phối hợp với Đội công tác xã hội Thành đoàn Huế tổ chức các trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, nhảy sạp. Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức định kỳ chương trình sân chơi cuối tháng. Thành đoàn Huế tổ chức chương trình kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sự tham gia biểu diễn của các nhóm nhạc, ban nhạc các trường trung học phổ thông, cao đẳng. Chương trình của các câu lạc bộ như Ghita for you, Du Ca, Bazooka, CLB nghệ thuật Đại học Khoa học, CLB âm nhạc Đại học Nghệ thuật Huế…
Hiện tại, các hoạt động tại phố đi bộ đã dần đi vào nề nếp. Ban quản lý (BQL) đã chủ động cân đối nguồn thu đảm bảo duy trì tốt các hoạt động. Chính người dân và các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trong khu vực là cốt - là hồn, là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng, bản sắc và sự thành công của tuyến phố.
Hiệu quả hoạt động của khu phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu là điểm khởi đầu tốt đẹp cho kế hoạch 2018. Đây sẽ là tuyến phố nối với các công viên bờ Nam sông Hương qua đường Lê Lợi; kết nối với đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu đang được khởi công bằng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc; sử dụng cầu Tràng Tiền cho đi bộ để phát huy, khai thác các công viên bờ Bắc, chợ Đông Ba nhằm khai thác, phát huy các tiềm năng, giá trị của sông Hương, tạo sự khởi sắc cho một không gian, một trung tâm văn hóa du lịch quy mô hơn ở Huế.
Tăng cường hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí cho không gian phố đi bộ, Phòng Văn hóa Thông tin (VH&TT) TP. Huế tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc đương đại tại ngã tư Chu Văn An - Võ Thị Sáu, biểu diễn múa rối cạn tại tuyến đường Phạm Ngũ Lão, ký họa chân dung tại vỉa hè đường Võ Thị Sáu, nhân tượng tại ngã ba đường Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, viết thư pháp tại vỉa hè đường Chu Văn An, khiêu vũ thể thao, nhảy hiphop tại 34 - 36 Võ Thị Sáu...
Quỳnh Dao