Thứ Năm, 08/12/2016 08:46

Nan giải cung ứng đủ điện cho năm 2019

Tất cả các nguồn cung điện đều đang “có vấn đề”, khiến việc đảm bảo đủ điện cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân thực sự là bài toán khó giải.

EVN sẽ đưa vào vận hành hơn 30 nhà máy điện mặt trời trong tháng 6Nắng nóng, lượng tiêu thụ điện tăng cao kỷ lụcEVN thừa nhận tiền điện tăng ít nhất 35%Doanh nghiệp ứng phó với giá điện tăng

Nguồn cung ít, nhu cầu liên tục gia tăng

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của phụ tải giai đoạn 2016 - 2030, mỗi năm, hệ thống điện phải bổ sung khoảng 6.000 – 7.000 mW. Trong khi, nguồn điện dự phòng gần như không còn, các dự án điện của các nhà sản xuất điện độc lập nằm trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh không thể đưa vào vận hành theo đúng tiến độ.

Nhiều hồ chứa thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam đã ở dưới mực nước chết. Ảnh: EVN

Thủy điện đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng tiềm năng khai thác đã gần hết, khó có khả năng phát triển thêm. Từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung, miền Nam thấp, nhiều hồ đang xấp xỉ mực nước chết. Đến cuối tháng 5/2019, có 16/44 hồ có thể tích nước còn lại thấp hơn 10% thể tích hữu ích, bao gồm nhiều hồ lớn có vai trò quan trọng trong việc cấp điện như: Trị An, Thác Mơ, Hàm Thuận, Đại Ninh… Đáng báo động là hệ thống mới bước vào giai đoạn cao điểm vận hành, nhưng tổng thể tích nước trong các hồ thủy điện chỉ còn 18,6% dung tích hữu ích.

“Lượng nước có thể quy ra điện tại các hồ miền Trung và miền Nam hiện chỉ còn khoảng 1,3 tỷ kWh, tương đương tổng phụ tải toàn quốc trong 2 ngày làm việc”, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) lo ngại.

Nhiệt điện than đang là loại điện quan trọng nhất để đảm bảo đủ điện ở thời điểm này. Tuy vậy, theo dự báo, năm 2019, nguồn than trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu than và tiến hành pha trộn với than trong nước, điều này sẽ làm tăng giá thành sản xuất điện, dẫn đến giá mua điện của EVN và các đơn vị thành viên tăng thêm hàng nghìn tỷ đồng.

Được biết, từ tháng 4 - 6/2019, một số nhà máy điện mặt trời đã và sẽ được đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống điện. Đến hết tháng 5/2019, đã có 47 dự án điện mặt trời với công suất 2.300 mW được đấu nối vào lưới điện quốc gia. Dự kiến trong tháng 6 này, sẽ có khoảng 49 dự án nữa với công suất khoảng 2.600 mW đưa vào lưới điện. Tuy nhiên, các nhà máy này lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, gây quá tải cục bộ cho lưới điện truyền tải. Thêm nữa, công suất nguồn điện mặt trời thay đổi liên tục trong ngày, khó dự báo chính xác.

Thách thức lớn đối với ngành điện còn đến từ sự mất cân đối giữa cung và cầu của từng vùng, miền. Trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung (gần 60%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%.

Thêm vào đó, trong bối cảnh nguồn cung thiếu, thì nguồn cầu lại không ngừng tăng. 5 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng của hệ thống điện toàn quốc đã tăng trưởng 10,55% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 95,72 tỷ kWh. Bước sang tháng 6, dự kiến phụ tải toàn quốc tiếp tục tăng trưởng cao theo chu kỳ hàng năm, ở mức trung bình 701,2 triệu kWh/ngày, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2018. Công suất cực đại dự kiến ở mức 38.000 - 39.000 mW, tăng 13 - 14% so với cùng kỳ 2018.

Cần sự nỗ lực không chỉ của EVN

Tổng giám đốc EVN, ông Trần Đình Nhân cho biết, EVN đã kiến nghị Nhà nước, Bộ Công Thương cho phép phát triển các trung tâm điện lực, bổ sung nguồn cung cho hệ thống điện quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…, đồng thời, triển khai các biện pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải, tăng cường tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Nhân cũng nhận định, để đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước năm 2019, EVN phải đảm bảo các tổ máy sẵn sàng vận hành đạt công suất thiết kế, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than phải đảm bảo vận hành liên tục, ổn định trong mùa khô; chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị dự phòng cho bảo dưỡng, sửa chữa; siết chặt kỷ luật vận hành, không để xảy ra sự cố lớn; tiếp tục ký hợp đồng với các nhà cung cấp than/khí (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Khí Việt Nam) để giải quyết vấn đề nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy điện. Trường hợp than trong nước không đủ, các đơn vị thuộc EVN chủ động hoặc phối hợp để nhập than cho phát điện.

EVN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương trong việc tiết kiệm điện; thực hiện giải pháp điều hòa phụ tải, đảm bảo sự ổn định của hệ thống điện; đảm bảo tiến độ công trình đầu tư nguồn và lưới điện, hoàn thành đàm phán ký hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc; chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương và Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch điện VII, xác định lại cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải trong từng giai đoạn, khu vực, vùng miền...

Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nhận định: "Khả năng cung cấp than cho nội địa để sản xuất điện khó khăn, bắt buộc phải nhập khẩu. Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn cho thị trường than bằng Chỉ thị 21/CT-TTg năm 2015 về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh than, nhưng đến nay vẫn không đủ than cho sản xuất điện. Nếu thị trường trong nước không đáp ứng được, bắt buộc các nhà sản xuất điện dùng than phải nhập khẩu. Do vậy, xây dựng thị trường năng lượng đầu vào cho sản xuất điện, trong đó có khí, than... hiện nay là cấp thiết”.

Trạm biến áp 500 kV Pleiku do Công ty Truyền tải điện 3 quản lý, vận hành. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khuyến nghị, việc đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân không chỉ là trách nhiệm riêng của EVN mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng điện khác. EVN chỉ sở hữu khoảng 60% nguồn điện. EVN đang phải “gánh” trách nhiệm cung cấp điện cho các vùng sâu, vùng xa, hải đảo... với chi phí đầu tư, quản lý vận hành rất lớn, trong khi nhu cầu sử dụng điện thực tế ở những nơi này thấp.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, EVN có trách nhiệm đảm bảo điện, nhưng Tập đoàn chỉ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về khâu truyền tải và phân phối, còn khâu phát điện là trách nhiệm chung của cả các nhà đầu tư khác.

Ông Dương Quang Thành cho biết: "Hiện nay, có tình trạng các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài không đầu tư được, không đưa vào vận hành được các nhà máy điện dẫn tới nguy cơ thiếu điện giai đoạn 2021- 2028. Cho nên, bắt buộc phải tháo gỡ các khó khăn về đầu tư xây dựng. EVN đã từng có báo cáo đề nghị Quốc hội có Nghị quyết đặc thù về tháo gỡ khó khăn cho phát triển điện, đảm bảo cung cấp điện".

Theo Báo Tin tức

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xung quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện
Xung quanh việc EVN đề xuất tăng giá điện

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xem xét đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). EVN dự báo năm 2022 lỗ hơn 31.000 tỷ đồng do chi phí sản xuất điện và mua điện tăng cao.

Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt mới
Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện sinh hoạt mới

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 5923/BCT-ĐTĐL gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với giá điện sinh hoạt, đề án thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc. Bậc 1 từ 100 kWh còn bậc 5 từ 701 kWh trở lên.