Thứ Ba, 28/11/2017 13:15

Những con tàu 67: Từ khát vọng vươn khơi... đến nợ khó đòi – bài 2: Ngân hàng khởi kiện

Chủ tàu không thực hiện cam kết trả nợ, 2 ngân hàng cho ngư dân vay theo NĐ67 đã gửi hồ sơ khởi kiện đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Vang và các thủ tục khởi kiện đã cơ bản hoàn tất.

Từ khát vọng vươn khơi... đến nợ khó đòi - Bài 1: Không chịu trả nợ, hiệu ứng dây chuyền

 

Ỷ lại chính sách?

Nguồn vốn cho vay theo NĐ67 là vốn ngân hàng tự cân đối bằng cách huy động tiền tiết kiệm của người dân trên thị trường. Đây lại là nguồn vốn vay dài hạn lãi suất ưu đãi cho các chủ tàu, tính thu đủ cả gốc và lãi cho vay theo NĐ67 thì các ngân hàng phải bỏ thêm chi phí để bù lãi suất huy động vốn. Trường hợp  không thu đủ gốc, lãi đúng hạn, ngân hàng chịu rủi ro rất cao, ảnh hưởng đến tài chính, chưa nói đến những rủi ro trong việc quản lý tài sản đảm bảo tiền vay cho khách hàng như việc chỉ mua một phần bảo hiểm cho tàu, ngư lưới cụ như hiện nay.

Tại Agribank Thừa Thiên Huế, đến hết quý I, có 18 khách hàng vay vốn với số tiền 160 tỷ đồng. Trong đó đến đầu tháng 5, một chủ tàu đã phát sinh nợ xấu với số dư nợ xấu 19,3 tỷ đồng, các khách hàng còn lại đã được cơ cấu lại nợ nên chưa phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu với tổng dư nợ đến quý I/2020 là 114,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ đến hạn trong năm 2020 phải thu là 23,6 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Khoái, Phó Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế chia sẻ, theo quy định, để được ngân hàng cho vay, chủ tàu phải cam kết công khai các hợp đồng đầu tư cho ngân hàng giám sát để quản lý dòng tiền, bảo đảm khả năng thu hồi nợ. Tuy nhiên, ngân hàng không thể kiểm soát các hoạt động của tàu cá về doanh thu, chi phí, lợi nhuận mỗi chuyến đi biển nên không kịp thời thu nợ. Dù các ngân hàng thường xuyên thông báo các kỳ hạn trả nợ để ngư dân và gia đình biết thực hiện, nhưng hầu hết ngư dân và gia đình thiếu hợp tác, chưa chấp hành đúng yêu cầu, có tư tưởng ỷ lại vào chính sách.

Hiện con tàu và ngư lưới cụ đang là tài sản thế chấp của ngân hàng, nếu không quản lý tốt sẽ nhanh chóng xuống cấp và nguy cơ không thu được nợ hay chuyển sang nợ xấu và việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay của ngân hàng sẽ bị giảm giá trị rất lớn.

Chỉ thu lãi từ nguồn hỗ trợ dầu

Hiện nay, nguồn thu lãi chính từ các tàu chủ yếu từ nguồn thu tiền dầu hỗ trợ vươn khơi của Nhà nước. Hai ngân hàng đã làm việc với Kho bạc Nhà nước và các địa phương liên quan chuyển tiền hỗ trợ dầu vào tài khoản của khách hàng tại ngân hàng cho vay. Đây cũng là nguồn thu chính trong giai đoạn hiện nay của ngân hàng do khách hàng trong quá trình khai thác biển đã sử dụng nguồn tiền tự có để bù đắp cho chi phí hoạt động khai thác. Nguồn hỗ trợ dầu sau khi bù đắp chi phí sẽ được khách hàng dành một phần để trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, nguồn thu từ tiền hỗ trợ dầu chỉ đảm bảo một phần chi phí lãi vay ngân hàng, còn tiền gốc hầu như chưa thu được. Không thực hiện cam kết trả nợ, hiện 2 ngân hàng cho vay theo NĐ67 đã gửi hồ sơ khởi kiện đến Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Vang.

Theo ông Trần Đoàn Nguyên, Phó Giám đốc BIDV Thừa Thiên Huế, ngân hàng rất thiện chí trong cho vay và thu hồi vốn nhưng ngư dân không hợp tác, nên buộc các ngân hàng phải khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật. BIDV đã làm thủ tục khởi kiện chủ tàu vay vốn theo NĐ67 là ông La Văn Thoạn, 16 khách hàng vay vốn đã chuyển sang nợ xấu. Tuy nhiên, khởi kiện cũng chỉ là giải pháp. Về lâu dài, để hạn chế tình trạng phát sinh nợ xấu, hoặc khởi kiện ngư dân, Chính phủ và tỉnh cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho cả ngân hàng và ngư dân.

Ngăn chặn hiệu ứng dây chuyền

Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, hiện đã manh nha xuất hiện hiệu ứng dây chuyền trong công tác thu nợ NĐ67. Việc cần làm lúc này là xử lý dứt điểm người dân “chây ì” trả nợ. Chính quyền địa phương bám sát các tàu cá, tàu hậu cần để nắm thêm thông tin sản lượng khai thác, giá bán sản phẩm... của các chủ tàu, để ngân hàng có điều kiện quản lý tốt nguồn thu. Đối với tàu hậu cần nên tăng cường thu nợ khi tàu còn ra khơi, bù đắp cho thời gian tàu nghỉ biển. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, để ngư dân hiểu đúng quyền lợi và trách nhiệm khi vay vốn đóng mới tàu cá.  

Tín hiệu vui cho các ngân hàng, hiện có khá nhiều ngư dân chấp nhận nhận nợ từ các chủ tàu vay vốn theo NĐ67. Ông Trần Văn Hải, Hội trưởng Chi hội dịch vụ hậu cần nghề cá Thuận An khẳng định: “Những con tàu trong đội thuyền của tôi đều vay thương mại. Sau mỗi chuyến biển, gia đình đều cân đối chi phí để trả nợ ngân hàng nên không quá áp lực trả nợ gốc lãi 1 lần. Hiện, có rất nhiều ngư dân sẵn sàng nhận nợ từ các chủ tàu vay theo NĐ67. Riêng tôi sẽ nhận 2 tàu nếu ngân hàng hoàn tất các thủ tục thu hồi, chuyển giao với điều kiện những con tàu này cần được định giá lại giá trị”.

Theo Phó Giám đốc NHNN tỉnh Lê Việt Sỹ, hiện nay, một số chủ tàu khai thác không hiệu quả, muốn chuyển đổi cho chủ tàu khác nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Bởi tâm lý e ngại của người nhận mua khi họ phải nhận toàn bộ khoản nợ vay từ chủ tàu cũ, bao gồm cả nợ gốc, nợ quá hạn và lãi phát sinh trước thời điểm bàn giao. Cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu vay vốn theo NĐ67 chưa có hướng dẫn cụ thể. Chưa nói đến việc chuyển đổi con tàu khai thác hải sản không hiệu quả kinh tế bao giờ giá bán cũng thấp hơn giá thực tế vì đây là hàng hóa đặc thù.

Một khó khăn nữa là nợ quá hạn của các chủ tàu hiện còn lớn hơn hoặc bằng nguyên giá đóng mới tàu nên trong trường hợp ngân hàng thu hồi tài sản và xử lý nợ rất phức tạp.

Ông Lê Việt Sỹ đề xuất, Chính phủ cần kịp thời có cơ chế yêu cầu bắt buộc chủ tàu bổ sung tài sản bảo đảm tiền vay ngoài tài sản là con tàu được hình thành từ vốn vay nếu tàu giảm sút giá trị. UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp cưỡng chế thu giữ hoặc răn đe những chủ tàu có nợ quá hạn, nợ xấu, cố tình chống đối, chây lỳ, không hợp tác với ngân hàng; thực hiện cấm xuất bến những tàu không thực hiện mua bảo hiểm tàu cá hoặc mua bảo hiểm với mức thấp.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

 

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phái yếu ra khơi
Phái yếu ra khơi

Dong thuyền ra biển giờ đây không còn dành riêng cho đàn ông. Với nhiều gia đình ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), điều khiển thuyền đi đánh bắt xa bờ (ĐBXB) đã trở thành nghề chính của phụ nữ.

Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển
Tìm thấy thi thể ngư dân mất tích trên biển

Trưa 25/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, Đồn Biên phòng Phong Hải phối hợp với gia đình nạn nhân vừa tìm thấy thi thể ngư dân Nguyễn Văn Siêu trôi dạt vào bờ biển xóm Tân Mỹ, xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền.

Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Đồng loạt thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Sau hơn 5 năm thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, 28 tỉnh ven biển trong cả nước vẫn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nâng cao nhận thức trong khai thác hải sản tuân thủ quy định pháp luật. Bằng sự đồng lòng của các cơ quan, đơn vị, cùng với lực lượng biên phòng, nghề cá đã đồng loạt thực hiện chống khái thác bất hợp pháp, không theo quy định trong năm 2023.

Chìm tàu, một thuyền viên mất tích
Chìm tàu, một thuyền viên mất tích

Sáng 22/2, ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế) cho biết, chính quyền địa phương đang phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm ngư dân gặp nạn trên biển.

Tự tin vươn khơi
Tự tin vươn khơi

Toàn bộ tàu thuyền đã cập cảng, về bờ trước khi không khí lạnh, biển động mạnh đợt này xảy ra. Lượng hải sản chuyến biển đầu năm tuy không lớn, nhưng là lộc khởi đầu cho một năm suôn sẻ, bội thu.