Thứ Tư, 25/09/2019 05:56

Hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ

Có 124 hộ chủ rừng tại 6 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh tham gia dự án (DA) “Hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ, hướng đến cấp chứng chỉ rừng (GFA), chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCS)” với diện tích 852ha.

Trồng 1.200 cây rừng bản địa khắc phục thiên taiGiống cho trồng rừng bản địa đa loài

Vườn ươm giống keo thân thiện môi trường ở HTX Phù Bài

Được sự hỗ trợ của DA, nhiều HTX tổ chức khâu nhân giống, hướng đến sản xuất giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường. Các HTX tổ chức khâu trung gian, kết nối giữa các hộ trồng rừng với doanh nghiệp hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn (RGL), chứng chỉ rừng, theo chuỗi giá trị. Chất lượng rừng trồng đang ngày càng tăng, không chỉ nâng cao giá trị kinh tế từ 80-100 triệu đồng/ha (gỗ nhỏ) lên 250-300 triệu đồng/ha (gỗ lớn)/chu kỳ mà còn góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giám đốc HTXNN Phù Bài, ông Lê Tranh chia sẻ, DA có sự tác động tích cực đến hoạt động trồng rừng quy mô nhỏ, hộ gia đình. Thông qua sự hỗ trợ của DA, HTX tổ chức xây dựng vườn ươm cây keo với công suất bình quân mỗi năm hàng trăm ngàn bầu, không chỉ cung ứng nhu cầu tại chỗ mà còn bán ra thị trường. HTX Phù Bài còn đầu tư dây chuyền sản xuất bầu ươm cây keo lai hom hữu cơ thân thiện môi trường nhằm tận dụng phế phẩm nông nghiệp để giảm chi phí đầu vào. Đây cũng là lợi thế vừa tăng năng suất vừa nâng cao chất lượng cây giống, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Các HTX nằm trong DA còn được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức tập huấn sử dụng ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc gỗ trên smartphone. DA tổ chức cho cán bộ các HTX tham quan, chia sẻ kinh nghiệm và kết nối tiêu thụ gỗ tại các hiệp hội chế biến gỗ Bình Định, Bình Dương và nhiều mô hình trồng rừng hiệu quả trong nước, trong khu vực như Lào, Thái Lan, Trung Quốc…

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, các ban ngành triển khai có hiệu quả DA hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ, hướng tới cấp chứng chỉ rừng, do FFD tài trợ tại 6 HTXNN: Hòa Mỹ, Phù Bài, Thủy Phù, Thủy Phương, Thủy Dương, Nam Sơn. DA hỗ trợ xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp tại HTXNN Hòa Mỹ, HTXNN Phù Bài, HTXNN Nam Sơn vừa mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa hỗ trợ tích cực về nguồn giống chất lượng cho hoạt động trồng rừng.

Sau khi kết thúc DA, có 124 hộ chủ rừng tại 6 HTX trên tham gia DA được tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng (GFA), chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCS) với tổng diện tích 852ha keo. Trong năm 2021, Công ty Năng lượng xanh Đông Hà hỗ trợ kinh phí đánh giá duy trì chứng chỉ rừng của các HTX và đánh giá cấp mới thêm 400ha rừng trồng keo. Công ty cam kết thu mua sản phẩm gỗ rừng trồng và hỗ trợ 100% cây giống để trồng lại sau khai thác.

Ngoài DA hỗ trợ hộ trồng rừng quy mô nhỏ, ngành lâm nghiệp, Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với tổ chức WWF hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong (A Lưới), hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây giống và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên cho HTX này. Đồng thời, hợp tác với Tổ chức phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) thực hiện thí điểm chương trình phát triển HTX tại Thừa Thiên Huế với mục tiêu xây dựng mô hình HTX kiểu mới, phát triển kinh doanh, marketing, liên kết thị trường và nâng cao vị thế của HTX trong chuỗi giá trị, quản trị và quản lý nhân sự…

Từ năm 2019 đến nay, Hội Chủ rừng phát triển bền vững tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cùng với địa phương tích cực hỗ trợ thành lập 25 HTX lâm nghiệp bền vững tại các địa phương có nhiều hộ trồng rừng, nhiều diện tích rừng. Hoạt động kinh doanh lâm nghiệp của các HTX này chủ yếu tập trung làm dịch vụ hỗ trợ về giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc rừng, xây dựng chứng chỉ, khai thác và tiêu thụ RGL.

Hiện nay, Trung ương giao tỉnh xây dựng đề án phát triển HTX lâm nghiệp bền vững nhằm tạo dựng mô hình trồng RGL gắn với chứng chỉ rừng, theo tiêu chuẩn FSC để nâng cao giá trị thu nhập cho hộ trồng rừng. Một số HTXNN có dịch vụ trồng và chăm sóc rừng phát huy hiệu quả tiếp tục được đầu tư, nhân rộng. Nhiều mô hình, hộ trồng rừng được tổ chức lại sản xuất, hình thành các tổ, nhóm chuyên về dịch vụ lâm nghiệp như vườn ươm, tổ khai thác, tổ vận chuyển, đăng ký chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCS)...

Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 311.206ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên 211.373ha, rừng trồng gần 100 ngàn ha, song RGL mới chỉ khoảng 11 ngàn ha. Độ che phủ rừng toàn tỉnh đến nay hơn 57%. Điều này cho thấy tiềm năng và lợi thế sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là RGL gắn với chứng chỉ rừng bền vững FSC trên địa bàn tỉnh rất lớn.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Chiều 22/2, Công ty Bảo hiểm PVI Huế và các đối tác hỗ trợ đã trao 60 triệu đồng kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình bà Nguyễn Thị Dần, trú tại thôn Chính An, xã Phong Chương, huyện Phong Điền.

Timor Leste gia nhập ASEAN có thể giúp thúc đẩy tự do
Timor Leste gia nhập ASEAN có thể giúp thúc đẩy tự do

Việc Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Điều này được nhận định có khả năng sẽ giúp Indonesia thúc đẩy chương trình nghị sự ngoại giao vì hòa bình và dân chủ.