Ký kết hợp tác trong xây dựng, thực thi cơ chế chính sách cho phát triển đổi mới sáng tạo
Cùng đi và cùng sáng tạo
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng làng công nghệ Dược liệu sạch chia sẻ: Được kết nối thêm 2 đồng trưởng làng của Huế là chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia và anh Phạm Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Hương Cát gia nhập Làng công nghệ Dược liệu sạch - làm tôi như được "nối thêm tay" và tiếp thêm sức để đưa làng phát triển. Bà Hương mong muốn, chỉ cần 2 đồng trưởng làng ở Huế cùng kết nối với nhau thì trước mắt có thể hỗ trợ nhau giải quyết những khó khăn gặp phải như trong việc xử lý sâu bệnh trên cây trồng dược liệu. Nếu mạnh dạn, vững tin hơn, họ có thể cùng kết nối các đồng trưởng làng trong làng hỗ trợ nhau về nguồn nguyên liệu, công nghệ, thị trường...
Không chỉ đem lại hiệu quả cho xã hội, cho môi trường, kỳ vọng của những DN khởi nghiệp, những làng công nghệ còn lớn hơn và xa hơn khi muốn tìm kiếm, kết nối, ký kết hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... để nâng tầm giá trị sản phẩm. Với sâm Bố Chính hay sâm cau, nếu chỉ bán sản phẩm thô chỉ với giá "bèo", chưa tới một trăm rưỡi nghìn đồng một kg nguyên liệu. Nhưng nếu được nghiên cứu ra bài thuốc dược liệu, tân dược, biệt dược từ những loài dược liệu được ưu tiên trồng của Thừa Thiên Huế thì giá trị đem lại cao gấp nhiều lần.
Giới thiệu sản phẩm với khách hàng
Ông Phạm Duy Hiếu, Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp DN KH&CN Việt Nam đã đồng hành cùng hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của Thừa Thiên Huế suốt 5 năm đánh giá cao về năng lực của người Huế trong giải quyết mọi vấn đề, trong sáng tạo, khởi nghiệp. Ở Huế đang làm rất tốt việc kết nối giữa con người với con người để đồng sáng tạo và lũy thừa sự sáng tạo.
"Muốn khởi nghiệp thành công, điều mà những startup, DN khởi nghiệp trẻ cần làm là phải biết sử dụng thành công cái của người khác cho mình và sẵn sàng cho người khác sử dụng thành công cái của mình để làm nên những thành công mới", ông Hiếu hiến kế.
Cần "shark" lớn, nhưng chưa đủ...
Ông cha ta có câu: "Có bột mới gột nên hồ". Bột ở đây không chỉ là sản phẩm nghiên cứu, sáng tạo, mà bột ở đây còn là những "shark" mạnh về vốn, mạnh dạn đầu tư. Thách thức lớn nhất của khởi nghiệp, ĐMST chính là vốn, bởi hành trình khởi nghiệp luôn thiếu vốn và cần vốn. Chỉ cần 1 DN lớn, shark lớn gật đầu chấp nhận, startup có ngay được thị trường, có ngay được lượng lớn khách hàng tiềm năng, có chỗ dựa để vượt qua “bão giông” và tăng giá trị tối thiểu gấp 4-5 lần khi gọi vốn.
Nhưng nếu chỉ dựa vào một vài quả đấm thép cũng không nên, mà cần thay đổi cách tiếp cận. Những con thuyền nhỏ đôi khi chạy nhanh hơn với tốc độ phát triển trí tuệ nhân tạo như hiện nay. Không đâu xa, các trưởng làng công nghệ, các đồng trưởng làng công nghệ trong nước vẫn có thể đảm đương được điều này.
Hiểu rõ đường đi nước bước, lợi thế cũng như yếu thế của địa phương về phát triển KHCN và ĐMST, Giám đốc Sở KH&CN Hồ Thắng cho rằng, đối với các thành phố lớn có cơ sở hạ tầng tốt rất dễ gọi vốn, nhưng với Huế cần tiếp cận theo cách khác. Huế đang hướng đến đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch... với sự chung tay hậu thuẫn từ các làng công nghệ. Huế còn cần huy động từ xã hội hoá, từ toàn dân thay vì chỉ trông chờ vào một, hai tập đoàn lớn. Tất nhiên bên cạnh đi kêu gọi đầu tư, Huế phải có sẵn "vốn đối ứng" là những dự án, sản phẩm sáng tạo cụ thể, thực lực để nhà đầu tư thấy được đồng vốn họ bỏ ra là đúng chỗ và sinh lời.
Phải thừa nhận rằng, khả năng gọi vốn của Huế hiện chưa cao mà chỉ mới đang khởi nghiệp. Trong khái niệm về ĐMST mở hiện nay, đầu tư từ nước ngoài là kho tàng rất lớn và đặc biệt những người gốc Huế ở nước ngoài khá nhiều. Một khi có đồng vốn đô la của nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài thì đấy mới thực sự chứng minh được sự thành công và trưởng thành của hệ sinh thái. Đây cũng là nhiệm vụ thách thức dành cho các làng công nghệ trong các lĩnh vực tiềm năng tư vấn và phải thu hút được đầu tư.
Vừa mới ra mắt tại Huế và được chọn làm Trưởng làng Làng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI), ông Bùi Quang Vũ, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Khoa học- Đại học Huế đặt ra mục tiêu phải nghiên cứu, sáng tạo ra sản phẩm công nghệ thực thụ để không chỉ phục vụ đơn đặt hàng, mà còn hỗ trợ các startup trong lĩnh vực AI của Huế và của cả nước. Thực ra, với lĩnh vực này, việc tham gia của các nhà đầu tư lớn dưới góc độ là nhà đầu tư trí tuệ cho thế hệ mới quan trọng hơn nhiều so với đầu tư cho hạ tầng. Hay nói đúng hơn là đầu tư vào con người và kết nối con người với con người.
Mỗi sản phẩm phải có một câu chuyện
Thay vì làm những sản phẩm mình yêu thích, startup hãy làm những sản phẩm khách hàng cần. Đó là lời khuyên của những người đi trước thành công, những chuyên gia trong lĩnh vực KHCN, ĐMST khi đề cập đến sự thành công của khởi nghiệp. Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN chia sẻ: Vì sao có những sản phẩm giá rất cao, nhìn có vẻ như chẳng thiết thân, nhưng lại được du khách, khách hàng chọn mua. Chẳng hạn ông đã gặp một người bạn mân mê và quyết bỏ ra số tiền lớn để mua một chai rượu bé xíu từ đất nước bạn. Lý do là vì ở thân chai và dưới đáy chai đều ẩn chứa cả một câu chuyện, một nền văn hóa đầy lý thú mà nếu ai sở hữu được sẽ thấy được đó không chỉ mang giá trị truyền thống bình thường.
"Huế "thừa sức" để biến du lịch, văn hoá, ẩm thực từ giá trị truyền thống thành giá trị "đô la". Muốn làm được, Huế cần phải đổi mới trong sáng tạo sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã để tạo nên một "câu chuyện" chứ không đơn thuần chỉ là sản phẩm thuần tuý", ông Quất gợi ý.
Làng công nghệ quốc gia AI tại Huế và thêm những đồng trưởng làng công nghệ của Huế gia nhập làng công nghệ các lĩnh vực: dược liệu sạch, du lịch ẩm thực, đô thị thông minh, tài chính, sức khỏe sắc đẹp... sẽ mở ra vận hội mới trong liên kết, đồng sáng tạo để cùng nhau làm nên chuyện. Nhiều người tin, với tính sáng tạo, cầu kỳ, phóng khoáng ẩn chứa trong con người Huế sẽ thổi hồn vào mỗi sản phẩm, dự án khởi nghiệp để làm nên những câu chuyện kỳ tích.
Bài, ảnh: Hoài Thương