Thứ Tư, 07/06/2017 13:30

“Đánh thức” lúa thiêng

Là nét tinh túy của núi rừng A Lưới với chất lượng gạo ngon, mang nét đặc trưng văn hóa, gạo Ra Dư đã dần lấy lại vị thế nhờ phục tráng thành công giống nguyên chủng và xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo Ra Dư A Lưới.

Cử tri A Lưới đề nghị xây dựng tuyến đường tuần tra dọc sông A SápTái diễn nạn khai thác rừng trái phép ở A LướiHọc sinh A Lưới giành giải Nhất cuộc thi “Tái chế nhựa phế liệu”

Gạo Ra Dư là cây lương thực chủ lực của đồng bào A Lưới

Gạo dành cho chàng rể

Ra Dư không chỉ là cây lương thực chủ lực mà còn là cây trồng mang ý nghĩa tâm linh của đồng bào Tà Ôi, Cơ Tu, Pacô ở huyện vùng cao A Lưới.

Với giọng tôn nghiêm anh Kiêng Dung, xã Hồng Thủy, A Lưới kể rằng, theo truyền thuyết, giống lúa Ra Dư sinh ra từ quả trứng đá chàng Pút (con của nhà trời) giao cho vợ là nàng Tưr trước khi đi xa. Nhớ thương chồng, nàng đem quả trứng chôn xuống đất liền mọc lên một cây thân leo như cây bầu, thân phát triển nhanh, leo khắp triền núi, triền sông.

Cây phát triển nhanh đến khi khai hoa nở nhụy, quả chín vàng, nàng Tưr đập quả thì bất ngờ chảy ra vô vàn lúa. Nàng Tưr đem gạo ra nấu ở triền sông. Gạo nấu thành cơm, mùi thơm bay khắp chốn, lúc đó chàng Pút mới trở về. Nàng Tưr đem số lúa này chia cho dân làng làm giống và phát triển cho tới ngày hôm nay. Dân làng vì biết ơn vợ chồng chàng Pút mà đặt tên giống lúa Ra Dư nghĩa là gạo dành cho chàng rể.

Giống lúa Ra Dư được trồng ở lưng chừng núi thuộc địa phận huyện A Lưới.

T.S Nguyễn Tiến Long, Trường đại học Nông lâm Huế, có 7 năm theo đuổi nghiên cứu giống lúa Ra Dư chia sẻ, giống lúa Ra Dư không chỉ quý hiếm bởi có truyền thuyết linh thiêng, nó còn là giống lúa có phẩm chất, chất lượng hàng đầu trong các giống lúa địa phương. Trong kết quả phân tích chúng tôi theo dõi thời gian qua, ngoài các hàm lượng dưỡng chất cao hơn so với các loại lúa gạo thông thường, gạo Ra Dư còn có hàm lượng chất sắt, Omega 3, Omega 6 rất cao, rất có lợi cho sức khỏe con người.

Lúa khi chín vàng, được người dân tuốt lúa bằng tay. Lúa sau khi tuốt, người dân sẽ không đưa về ngay, mà phải có nghi lễ rước thần lúa về nhà với mong ước thần sẽ phù hộ cho no ấm hạnh phúc.

Gạo Ra Dư được đưa về nhà, cất kỹ ở một nơi cao ráo hoặc giã xong thì cho vào gùi để lên tra. Theo nông lịch của người Tà Ôi, Cơ Tu lúc hoa lan nở, chim Prich báo hiệu nắng về, cây cối thay lá mới, khí hậu ấm dần là lúc họ vui chơi làm lễ cúng cơm mới.

Thu hoạch lúa Ra Dư

Không dễ cho, tặng

Là giống lúa chất lượng và giá trị lịch sử, tuy nhiên theo thời gian giống lúa này đã bị mai một dần các phẩm chất và chất lượng gạo cũng giảm sút, năng suất trồng cũng chỉ đạt 21 đến 23 tạ/ha. Cũng bắt nguồn từ đây, năm 2012, nhóm nghiên cứu Trường đại học Nông lâm Huế đã bắt tay nghiên cứu phục tráng và phát triển nguồn gen giống lúa đặc sản Ra Dư.

Theo ông Nguyễn Tiến Long, nhóm nghiên cứu đã phục tráng giống lúa Ra Dư bằng sự kết hợp giữa 2 phương pháp truyền thống và công nghệ sinh học. Nhờ áp dụng công nghệ sinh học trong phục tráng giống nên đã rút ngắn được thời gian, sớm đưa ra nguồn giống siêu nguyên chủng với nhiều đặc tính tốt về năng suất và phẩm chất.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty TNHH DIBACO sản xuất lúa giống Ra Dư nguyên chủng, giống xác nhận cấp 1 hoặc cấp 2 cho người dân canh tác, thay thế nguồn giống tự để trong dân đã bị thoái hóa nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất của giống lúa này. Bên cạnh đó, đánh giá được khả năng kháng sâu bệnh, khả năng chịu hạn của giống được phục tráng từ đó đưa ra các biện pháp kỹ thuật trong canh tác cũng được nghiên cứu và đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn người dân.

Cùng với công tác phục tráng, nhóm nghiên cứu cùng với Dự án Trường Sơn Xanh tập huấn cho người dân quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa Ra Dư nhằm nâng cao năng suất, phẩm chất lúa, nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân các vùng núi. Nhờ đưa giống lúa nguyên chủng đã qua phục tráng vào sản xuất năng suất lúa đã nâng lên từ 21 tạ/ha lên 31 tạ/ha.

Tuy nhiên, để tiếp cận với đồng bào, giúp họ thay đổi tập tính canh tác là cả một chặng đường. T.S Nguyễn Tiến Long trải lòng, nhóm nghiên cứu phải ăn, ở cùng người dân hàng năm trời mới thay đổi được tập tính canh tác của người dân. Ngay cả việc xin/mua giống để nghiên cứu cũng không dễ, bởi đồng bào coi đây là giống lúa thiêng không thể tự tiện cho, tặng.

“Nếu trước đây người dân quen với việc đốt rừng làm nương rẫy, chỉ cần trỉa hạt, không chăm sóc thì nay được cán bộ hướng dẫn trồng lúa dưới tán rừng keo. Cán bộ còn hướng dẫn về thời vụ, cách tỉa dặm, làm cỏ, bón phân và tự sản xuất phân hữu cơ bón trở lại cho ruộng nên năng suất canh tác ngày một tăng, giá trị của sản phẩm gạo Ra Dư vì thế cũng cao hơn gấp nhiều lần”, bà Trần Thị Loan, xã Hồng Thủy người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình phục tráng giống lúa Ra Dư chia sẻ.

Hiện nay, A Lưới đang sử dụng giống Ra Dư đã phục tráng để canh tác trên 50 ha lúa theo hướng hữu cơ cung cấp cho người tiêu dùng. Hợp tác xã nông nghiệp Hồng Thủy cũng vừa được thành lập để tạo mối liên kết kinh doanh giống lúa đạt chất lượng và gạo đặc sản giúp bà con nông dân tăng thu nhập.

Nhóm nghiên cứu phục tráng giống lúa Ra Dư

Thị trường rộng mở

Nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa truyền thống khác nên Ra Dư được nhiều người ưa chuộng. Giá thành mỗi kg gạo Ra Dư trung bình từ 45 đến 50 ngàn đồng/kg, giá bán ngoài thị trường đối với gạo Ra Dư hữu cơ đạt từ 55 đến 70 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, trung bình mỗi 1 ha trồng giống lúa đặc sản Ra Dư, bà con nông dân thu nhập khoảng 60 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với các giống lúa khác, chưa kể thu nhập từ keo.

Chất lượng gạo ngon lại mang nét đặt trưng văn hóa, gạo Ra Dư được huyện A Lưới xác định là một sản phẩm chủ lực địa phương tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Trần Ngọc Chinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới thông tin, toàn huyện có gần 200 ha trồng lúa Ra Dư, trong đó sử dụng giống nguyên chủng đã phục tráng khoảng 50 ha. Theo chương trình hỗ trợ từ các dự án, trong năm 2020, toàn bộ diện tích trồng hiện nay sẽ được sử dụng giống nguyên chủng hoàn toàn. 

“Hiện, thị trường của gạo Ra Dư khá mở. Tại các hội chợ thương mại, lễ hội… gạo Ra Dư luôn trong tình trạng cháy hàng. Huyện đã thành lập HTX đứng ra vận hành quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gạo Ra Dư cùng với đó phối hợp với Dự án Trường Sơn Xanh xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với gạo Ra Dư A Lưới và trong tháng 12 sẽ hoàn thành công bố nhãn hiệu tập thể. Các siêu thị trên địa bàn cũng đồng ý sau khi công bố nhãn hiệu tập thể sẽ tiến hành đưa gạo Ra Dư vào các hệ thống này”, ông Chinh cho biết thêm.

“ Nhiều giống lúa quý hiếm như gạo De An Cựu… đã “thất truyền” đó là nỗi đau rất lớn đối với ngành nông nghiệp. Vì thế, ngoài gạo Ra Dư, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phục tráng các giống lúa quý khác nhằm bảo tồn được nguồn gen quý của các sản phẩm đặc sản địa phương”, TS. Nguyễn Tiến Long mở lòng.

Bài, ảnh: HOÀNG LOAN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sinh viên TP Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng
Sinh viên TP. Hồ Chí Minh tới A Lưới tìm hiểu Zèng

Hàng chục sinh viên đang theo học ngành thiết kế thời trang từ TP. Hồ Chí Minh đã có những ngày trải nghiệm thú vị khi được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá nghề dệt Zèng của đồng bào Tà Ôi (A Lưới).

Hoa mận trên vùng cao A Lưới
Hoa mận trên vùng cao A Lưới

Mùa này lên A Lưới, bạn vẫn có thể ngắm hoa và hái quả từ những cây mận ở nhà người dân A Lưới. Bên cạnh hoa đào, hiện, địa phương đang khuyến khích, vận động người dân trồng thêm cây mận ở một số khu vực phục vụ du lịch.

Bắt giam đối tượng chém trọng thương anh ruột
Bắt giam đối tượng chém trọng thương anh ruột

Ngày 16/2, thông tin từ Viện KSND huyện A Lưới cho biết, cơ quan tố tụng vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và phê chuẩn lệnh bắt tạm giam một đối tượng trên địa bàn để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích.