Thứ Bảy, 09/06/2018 14:24 (GMT+7)
Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về chỉ số dòng chảy thương mại
Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu nếu xét về chỉ số dòng chảy thương mại, đồng thời là quốc gia có sự phát triển tốt hơn dự đoán.
Tàu X-press Makalu cập cảng Hải Phòng. Ảnh: Trần Hoàng Ngọc/TTXVN
Dẫn báo cáo phân tích DHL Global Connectedness Index 2020 – GCI 2020 (Chỉ số kết nối toàn cầu năm 2020) do công ty dịch vụ vận tải quốc tế của Đức DHL và Trường Kinh doanh Stern Đại học New York (Mỹ) thực hiện, trang mạng Sino-Sphere ngày 8/12 cho biết Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới trong bảng xếp hạng chỉ số kết nối thương mại.
Đây là phiên bản thứ 7 của báo cáo này, song nó là bản đánh giá đầu tiên mang tính toàn diện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới. Bản phân tích dựa trên số liệu tổng quát về dòng chảy thương mại quốc tế, thông tin và năng lực của 169 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Theo như báo cáo phân tích, nói đến mức độ dòng chảy quốc tế tương ứng với qui mô nền kinh tế nội địa, Việt Nam đã nhận được những phân tích tích cực và lời khen ngợi khi xét đến các chỉ số trong khu vực thương mại. Việt Nam xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng, chỉ sau Singapore, Hà Lan, Bỉ và Malaysia. Báo cáo cho rằng, trong những năm gần đây, Việt Nam phát triển mạnh mẽ về ngành công nghiệp may mặc và công nghệ kỹ thuật cao.
“Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các công ty đang muốn đa dọa hóa cơ sở sản xuất sản phẩm. Xét về phương diện chính trị, Việt Nam ổn định và trẻ trung. Quốc gia này cũng sở hữu một lực lượng lao động tay nghề cao và đã tham gia nhiều thỏa thuận thương mại đa phương, như Thỏa thuận Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), qua đó biến mảnh Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư đầy hấp dẫn”, một đại diện của DHL Express tại Việt Nam nhận định.
Dự báo mới nhất cho thấy sau quá trình chuyển đổi ổn định năm 2019, chỉ số thương mại trên toàn cầu sẽ giảm mạnh vào năm 2020 do tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các mối quan hệ toàn cầu dự kiến không giảm xuống mức như trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2008-2009. Dòng chảy thương mại và vốn đã bắt đầu phục hồi, với dòng dữ liệu quốc tế tăng vọt khi các mối liên hệ trực tiếp chuyển sang trực tuyến trong thời kỳ đại dịch bùng phát và hoạt động mua sắm trực tuyến cũng gia tăng.
Theo Báo Tin tức