Tăng dần tỷ trọng đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên là mục tiêu hướng tới nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới
Không phải chỉ có Thừa Thiên Huế mà nhiều địa phương khác cũng như chi tiêu quốc gia, từ trước đến nay, chi thường xuyên bao giờ cũng chiếm tỷ trọng rất lớn. Có những năm chiếm đến hơn 80%.
Chi tiêu của Nhà nước gồm nhiều việc, song tựu trung có 3 lĩnh vực chi: chi đầu tư phát triển, chi trả nợ công và chi tiêu thường xuyên, tức là chi để nuôi bộ máy. Miếng bánh ngân sách chỉ có chừng ấy, chi cho nguồn này nhiều ắt nguồn khác sẽ tiếp nhận được ít. Nguồn chi thường xuyên này rất lớn và kém hiệu quả bởi vì bộ máy cồng kềnh. Đã cồng kềnh lại đặt ra lắm nhu cầu – từ cái bàn ngồi, cây bút để viết đến điện nước, trụ sở, xăng xe, hội nghị, hội thảo, gặp gỡ tiếp khách cho đến lương, phụ cấp…
Một ví dụ nhỏ này thôi chúng ta sẽ thấy, việc bố trí nguồn chi thường xuyên những năm qua là chưa hợp lý, nếu không muốn nói là còn nhiều lãng phí. Liên tục trong vài năm gần đây, năm nào Chính phủ cũng buộc các đơn vị hưởng lương từ ngân sách tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Kết quả là chẳng đơn vị nào “suy chuyển” cả mà công việc ở mọi lĩnh vực được đánh giá là được cải thiện đáng kể.
Tức là không phải tiền nhiều anh mới làm việc tốt mà muốn công việc tốt hơn lên phải thay đổi cung cách quản lý, phương thức vận hành bộ máy. Vấn đề là mức chi thường xuyên như hiện tại còn có thể cắt giảm thêm được nữa không? Câu trả lời là còn cắt được.
Như ngày 20/7 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, UBND tỉnh quyết định cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên 6 tháng cuối năm 2021. Quyết định này giống như “pháp lệnh”, đơn vị nào cũng phải thực hiện.
Có một thực tế, trước đây cứ được bố trí ngân sách là nhiều đơn vị tổ chức hội nghị rình rang. Có khi nếu không tổ chức những hội nghị như vậy thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều hoặc không ảnh hưởng đến công việc. Không hội nghị đông đảo theo hướng tập trung thì hội nghị trực tuyến, chỉ mời những thành phần quan trọng tham gia. Làm như vậy vừa góp phần chống dịch, vừa tiết kiệm chi phí, thuận lợi.
Sự vận hành của bộ máy có dịp ứng dụng và phát huy mạnh công nghệ thông tin - vốn là một lợi thế trong thời điểm hiện tại và tương lai. Đi công tác cũng vậy, khi kinh phí “ rổn rẻn” thì cũng không loại trừ những biến thái của đi công tác. Đi công tác kết hợp với tham quan du lịch. Đi du lịch, giao lưu “núp bóng” công tác… Chỉ với nguồn này thôi, nếu tính trong tổng thể hàng trăm đơn vị hành chính, sự nghiệp sẽ là một số tiền không hề nhỏ.
Một nguồn nữa cũng còn có thể cắt giảm nữa đó là giảm bộ máy. Bộ máy Nhà nước của chúng ta cồng kềnh là điều ai cũng biết, nhưng để cắt giảm cho được không phải là vấn đề dễ dàng. Ví dụ như chuyện vị trí việc làm. Tức là cơ quan A được giao nhiệm vụ gì? Để hoàn thành nhiệm vụ đó cần bao nhiêu người? Có phương thức nào thay thế chuyện ít người mà làm việc hiệu quả hơn không? Ai cũng biết là có nhưng khi thực hiện để tinh giảm bộ máy không phải là việc dễ dàng. Cho nên đến bây giờ, chuyện vị trí việc làm ở một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa thấy đâu. Chỉ thấy việc tách nhập cơ quan này, cơ quan kia nhưng bộ máy thì vẫn như vậy.
Những năm qua chi cho đầu tư phát triển của Thừa Thiên Huế tỷ trọng ngày càng tăng. Và trong tương lai có những dự liệu cho biết nguồn này sẽ tiếp tục tăng.
Thứ nhất là nguồn lực ngân sách ngày càng tăng và giảm tỷ lệ chi thường xuyên như Chủ tịch Nguyễn Văn Phương đã yêu cầu. Thứ hai, Thừa Thiên Huế có một số nguồn thu bổ sung để chi, ví dụ như dự thảo Nghị Quyết của Quốc hội vừa đưa ra bàn về cơ chế đặc thù cho Thừa Thiên Huế, trong đó có việc nâng trần dư nợ vay và được hưởng 50% từ nguồn bán các công trình gắn liền trên đất. Thứ ba là nhiều nguồn lực mới từ đầu tư của doanh nghiệp được bổ sung…
Lê Phương