Thứ Hai, 10/02/2020 06:40

Phân loại rác tại nguồn: Đừng để “đá ném ao bèo” - Bài 1: Niềm mong chưa cũ

Hiện mỗi ngày toàn tỉnh ước tính phát sinh hơn 500 tấn rác sinh hoạt; trong đó riêng TP. Huế có từ 350-400 tấn, tạo áp lực trong quá trình thu gom và xử lý. Để giảm áp lực trong xử lý rác sinh hoạt; đồng thời “biến” một phần thành tài nguyên hay tái chế, việc phân loại rác thải tại nguồn là điều bức thiết hiện nay.

Không phân loại rác tại nguồn sẽ bị phạtNgày hội đổi rác lấy quàNỗ lực giảm rác thải nhựa

Dù đã nỗ lực nhưng hoạt động thu gom, xử lý, phân loại rác thải sinh hoạt ở Thừa Thiên Huế chưa đạt yêu cầu. Đáng nói, ý thức của nhiều người dân trong giữ vệ sinh môi trường chưa cao, rác sinh hoạt hiện vẫn còn vứt xả bừa bãi, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị.

 

Chất thải rắn sinh hoạt hiện nay là nỗi lo của đội ngũ thu gom, xử lý của HEPCO

Cần một thói quen

Thời gian qua, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) tạo dấu ấn trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt không chỉ ở địa bàn TP. Huế. Thế nhưng nhiều nơi, nhiều địa phương vẫn còn tình trạng vứt xả bừa bãi ở nhiều nơi, kể cả kênh mương, cống rãnh làm tắc nghẽn dòng chảy.

Tại địa bàn TP. Huế hay vùng ven đô hiện nay vẫn hiện hữu nhiều “bãi rác” tự phát. Từ rác hữu cơ, đến chai lọ thủy tinh, bao bì nhựa, giấy, thậm chí cả rác cồng kềnh khó phân hủy, như nệm, ghế cũ vứt bỏ bừa bãi... làm mất cảnh quanh, ô nhiễm môi trường

Thực tế đáng buồn trên ai cũng thấy, dù gần đây tỉnh đã phát động, triển khai nhiều phong trào, hoạt động như "Chủ nhật xanh", "đường phố xanh", "khu dân cư xanh" ngày càng lan tỏa nhưng thói quen sống xanh, đổ rác đúng nơi, đúng giờ, cũng như thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn thì không phải ai cũng ý thức chấp hành.

Chị Nguyễn Hoài K. (P. An Cựu, TP. Huế) ở kiệt xóm, nhưng mỗi ngày đều mang rác gia đình ra đường để chờ thu gom. Nhà chị K. có 3 thành viên nên lượng rác thải mỗi ngày chừng 2-3kg. Như nhiều gia đình khác trong khu vực, chị bỏ các loại rác gồm các loại có thể phân hủy (thức ăn thừa, rau, quả…) và rác khó phân hủy (chai nhựa, túi nilông) chung vào một túi. Chị nói, gia đình chưa phân loại rác vì mất thời gian và nhất là phải để trong nhà 2-3 thùng rác vừa chật nhà, vừa gây ô nhiễm.

Thực tế từ gia đình chị K. cũng là thực trạng chung của không ít gia đình ở Thừa Thiên Huế. Nhiều người ngại phân loại rác tại nguồn vì việc bỏ chung tất cả rác vào một túi thường nhanh, tiện hơn là việc phải lựa chọn từng loại cho vào những thùng rác, bao túi riêng. Hơn nữa, nhiều người vẫn chưa có thói quen phân loại rác...

Anh Trần Văn Dũng. (P. Vĩnh Ninh, TP. Huế) cho rằng, sống vùng đô thị đất chật người đông, tất yếu lượng rác thải sinh hoạt thải ra hằng ngày khá lớn. Chỉ cần mỗi người, mỗi nhà chung tay hành động sẽ giảm được lượng rác phải chôn lấp, giảm áp lực cho môi trường, từ đó môi trường sống xanh, sạch, đẹp hơn.

Biến rác thải thành tài nguyên hay tái chế, bước đầu tiên phải tiến hành phân loại rác tại nguồn. Việc này không khó, chỉ cần tạo thói quen của người dân mà nhiều quốc gia, nước bạn trong khu vực Đông Nam Á đã làm và thành công.

Bạn tôi thường đi công tác tại Singapore chia sẻ, tại sao từ đường phố đến công viên, nơi công cộng đất nước bạn sạch - đẹp, không thấy rác. Qua tìm hiểu vì ở đó có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền và ban, ngành chức năng địa phương. Họ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc phân loại CTRSH tại nguồn. Tuyên truyền đạt đích đến cho người dân hiểu việc phân loại rác tại nguồn là trách nhiệm, nghĩa vụ nhằm góp phần giữ môi trường sạch - đẹp cho thành phố; nếu trường hợp nào không thực hiện sẽ có chế tài xử phạt.

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" duy trì thường xuyên làm cho các vùng quê ngày càng sạch đẹp

 Khởi động phân loại rác tại nguồn

Giải bài toán khó về sự quá tải trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương, mới đây TP. Huế khởi động Chương trình phân loại CTRSH trên địa bàn với sự đồng hành của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam-WWF tài trợ. Đây là chương trình trọng tâm mang tính lâu dài để giải quyết tình trạng quá tải trong xử lý rác sinh hoạt là niềm mong không riêng ai ở xứ Huế.

Để đạt được mục tiêu này, chương trình phân loại CTRSH tại nguồn chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I triển khai thực hiện đối với 23 phường thuộc thành phố trước khi sáp nhập; giai đoạn II triển khai thực hiện đối với 36 phường, xã thuộc thành phố; phấn đấu cuối năm 2023, có 100% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, kế hoạch triển khai hoạt động phân loại rác thải tại nguồn lần này được xây dựng rất bài bản, đồng bộ với nhiều hình thức, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có sự đi trước một bước trong việc xác định nhóm đối tượng nào cần triển khai trước, nhóm nào sẽ triển khai sau để vừa làm, vừa điều chỉnh trước khi triển khai đồng loạt tại tất cả các địa phương.

UBND TP. Huế đã tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn cho lãnh đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện trước, sau đó nhân rộng trong cán bộ, người dân phân loại CTRSH tại nhà để tạo thói quen phân loại rác. TP. Huế sẽ phối hợp với HEPCO tổ chức ngày hội "vệ sinh môi trường", "đổi rác lấy quà" nhằm lồng ghép tuyên truyền đến người dân cách thức phân loại, lưu giữ, giao chất thải thu gom đúng quy định; mỗi tổ chức, cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc phân loại CTRSH khi phát sinh... để tiến đến duy trì bền vững.

Theo lãnh đạo TP. Huế, việc phân loại CTRSH tại nguồn như một mũi tên trúng nhiều đích. Đó là sẽ giúp giảm đáng kể lượng rác phải xử lý, chôn lấp; tận dụng rác thải để tái chế thay thế một phần nguồn tài nguyên; tạo ra những sản phẩm có lợi từ rác như rác hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón… Do đó, TP. Huế quyết tâm triển khai thực hiện.

Ngày 26 và 27/7 vừa qua, UBND TP. Huế tổ chức tập huấn phân loại CTRSH tại nguồn cho các ban, ngành, đơn vị địa phương trên địa bàn về cách  thức phân loại - lưu chứa - xả thải. Ngày 15/8 , TP. Huế phối hợp với HEPCO lắp đặt 156 điểm phân loại CTRSH tại 23 phường, mỗi điểm có 3 thùng chứa rác theo quy định các màu cam - xám - trắng chứa rác nguy hại, rác thủy tinh, rác tái chế.

 Bài, ảnh: Minh Văn

(còn nữa)

Bài 2: Để phân loại rác mang tính bền vững

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khi người dân “thấm” mới hiệu quả
Khi người dân “thấm” mới hiệu quả

Phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đã triển khai từ nhiều tháng nay ở TP. Huế. Thế nhưng, để tạo thói quen PLRTN cho người dân vẫn là câu chuyện đáng bàn.

Lo nguồn nước sạch
Lo nguồn nước sạch

Tính đến cuối năm 2022, Thừa Thiên Huế có 96% người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, đạt kế hoạch đề ra.