Thứ Hai, 24/09/2018 16:09

RCEP: Xuất xứ "dễ thở" hơn cho một số hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam

RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các ngành hàng xuất Việt Nam nhờ quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với hiệp định thương mại tự do khác, điển hình là các hàng dệt may, nông thủy sản.

Những ngành nào sẽ là thế mạnh của Việt Nam trong Hiệp định RCEP?RCEP tạo động lực đa dạng hóa thị trường cho Hàn Quốc

Phó trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Đào Xuân Đức phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có thể mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhiều ngành hàng xuất của Việt Nam nhờ quy tắc xuất xứ "dễ thở" hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác, điển hình nhất là các mặt hàng dệt may, nông thủy sản.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị phổ biến RCEP do Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ban quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) tổ chức ngày 24/3.

Ông Đào Xuân Đức, Phó Trưởng ban Hepza cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thì việc Hiệp định RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 giữa ASEAN với Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc được coi là động lực tăng trưởng mới cho thương mại quốc tế.

Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản hoá thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, Hiệp định RCEP được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại có quy mô lớn nhất thế giới, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Từ đó, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và các đối tác.

Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất nhâp khẩu, Bộ Công Thương, thông tin: tất cả thành viên RCEP đều đã có hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương với Việt Nam, do đó RCEP không có vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu như một số FTA khác.

Tuy nhiên, Hiệp định RCEP lại mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Cụ thể, với hàng dệt may, trong khi các hiệp định thương mại tự do trước đó giữa Việt Nam-Nhật Bản (VJFTA), ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) đều yêu cầu quy tắc xuất xứ hai công đoạn. Nghĩa là vải phải được sản xuất trong khu vực ASEAN hoặc Nhật Bản mới được ưu đãi thuế quan.

Với Hiệp định RCEP, Việt Nam có thể nhập vải bất cứ đâu, chỉ cần cắt may tại Việt Nam (chuyển đổi chương sản phẩm) là có thể được hưởng ưu đãi thuế khi xuất vào Nhật Bản. Tương tự, với hàng thủy sản, các hiệp định trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy tại Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép nhập khẩu con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Về lợi ích tổng thể, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đứng trước những kịch bản trái chiều về hợp tác thương mại và đầu tư. Trong bối cảnh đó, Hiệp định RCEP được ký kết cho thấy các quốc gia thành viên đều hướng tới cam kết tự do hóa sâu rộng hơn về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hướng tới mục tiêu hợp tác để phát triển công bằng hơn.

Dây chuyền may xuất khẩu. Nguồn: TTXVN

Theo phân tích của ông Nguyễn Anh Dương, Hiệp định RCEP là khu vực năng động, có tầng lớp trung lưu mới gia tăng nhanh chóng. Ước tính trong vòng 3 năm tới, cả khu vực sẽ có khoảng 150 triệu người có thu nhập trung bình cao. Nhóm người này có khả năng hình thành các xu hướng tiêu dùng mới khác với thế hệ trước, trong đó tập trung nhiều vào các thiết bị công nghệ thông minh, sản phẩm có chất lượng cao.

Chính vì vậy, khi Hiệp định RCEP được thực thi có thể thúc đẩy xuất khẩu và thu nhập quốc gia cho các thành viên. Đồng thời cũng gia tăng đầu vào có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu. Thúc đẩy các thành viên tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, Hiệp định RCEP cũng kéo theo một số thách thức về thương mại như khả năng tăng nhập siêu. Theo đó, Việt Nam đang nhập siêu từ nhiều quốc gia thành viên RCEP, trước đây chỉ là trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, thời gian gần đây nhập siêu với cả Australia, New Zealand, Nhật Bản… Điều này dẫn đến nguy cơ rủi ro đối mặt với các vụ kiện phòng vệ khi không kiểm soát đúng mức nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường ngoài khu vực.

Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam ngày càng có nhiều lựa chọn thị trường xuất khẩu hơn, mỗi thị trường cũng có nhiều cơ sở ưu đãi. Nhưng, không có một thị trường nào hay một hiệp định nào chỉ mang lại lợi ích tuyệt đối mà không đi kèm điều kiện, thách thức. Do đó, tùy vào điều kiện sản xuất và chiến lược thị trường, doanh nghiệp có thể nghiên cứu, so sánh và lựa chọn tận dụng hiệp định nào cho phù hợp và có lợi nhất.

Theo quy luật phát triển chung, không còn thị trường nào là dễ tính, sẵn sàng chấp nhận hàng hóa kém chất lượng, không đáp ứng các tiêu chuẩn chung. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và thường xuyên cập nhật các xu hướng về biện pháp phi thuế quan để khai thác hiệu quả nhất những ưu đãi mà các FTA mang lại.

Theo TTXVN

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Philippines phê chuẩn hiệp định RCEP
Philippines phê chuẩn hiệp định RCEP

Tối 21/2, Philippines vừa chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với hy vọng hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này có thể giúp Philippines thu hút việc làm tốt hơn, cùng với đó là cung cấp hàng hóa rẻ hơn trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.

Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy
Việt Nam góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác ASEAN-Italy

Ngày 202/, Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR), dưới sự chủ trì của Chủ tịch ACR, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã tổ chức một số cuộc họp với các đối tác quan trọng tại Italy để thảo luận một số đề xuất và dự kiến hợp tác trong thời gian tới.