Thứ Sáu, 25/01/2019 13:14

Tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng lao động tiếp cận gói vay mới

Đó là khẳng định của ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh khi trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sáchThêm nguồn vốn cho đối tượng chính sách

Ông Trương Công Lân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Theo ông Lân, doanh nghiệp (DN) nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số DN đăng ký tạm ngừng có thời hạn và số DN giải thể có xu hướng tăng. Hiện, số DN đăng ký tạm ngưng là 316 (tăng 10,88% so với cùng kỳ); số DN thông báo giải thể là 75; số DN đã giải thể là 57 (tăng 29,55% so với cùng kỳ).

Trước khó khăn trên, NHCSXH có những hỗ trợ nào cho khách hàng và cộng đồng DN trên địa bàn, thưa ông?

Hiện các khách hàng đang vay vốn NHCSXH nếu gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 sẽ được xem xét cho gia hạn nợ, điều chỉnh thời hạn trả nợ hoặc cho vay bổ sung vốn nếu có nhu cầu. Đến nay, chi nhánh đã gia hạn nợ cho 635 khách hàng với số tiền hơn 13 tỷ đồng và cho vay bổ sung vốn cho 15.010 khách hàng, với doanh số cho vay trên 668 tỷ đồng. Năm 2020, NHCSXH triển khai chương trình cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) vay vốn trả lương cho người lao động (NLĐ) theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và có 2 DN với 219 lao động được tiếp cận được với chính sách này với số tiền 440 triệu đồng.

Hỗ trợ NSDLĐ vay vốn trả lương nhân viên là chính sách lớn vừa được Chính phủ triển khai. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách này?

Với chương trình này, NSDLĐ sẽ được vay vốn trả lương ngừng việc cho NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm NLĐ ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Với NSDLĐ vay vốn trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD) thì NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 và phải có NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn và có phương án hoặc kế hoạch phục hồi SXKD, DN không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0%

Đối với khách hàng hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để phục hồi SXKD thì phải có NLĐ làm việc theo hợp đồng đang tham gia BHXH bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi SXKD; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

Liệu có bao nhiêu DN có khả năng tiếp cận chương trình này?

Theo số liệu khảo sát sơ bộ của Sở LĐTB&XH, trên địa bàn toàn tỉnh có 44 DN bị ảnh hưởng, đang gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với khoảng 1.506 lao động phải ngừng việc, nghỉ việc đang có nhu cầu vay vốn. Sau khi NHCSXH phối hợp với Sở LĐTB&XH, BHXH, Liên đoàn Lao động, các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn và nắm bắt nhu cầu vay vốn của NSDLĐ, con số này có thể tăng hơn rất nhiều.

Ông có thể thông tin về mức cho vay, lãi suất, thời hạn cho vay, thời hạn giải ngân, bảo đảm tiền vay?

Số tiền vay vốn sẽ bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động bị ngừng việc nhân với số lao động bị ngừng việc được cơ quan BHXH xác nhận. Khách hàng được vay vốn với thời gian tối đa 3 tháng/NLĐ với lãi suất 0%/năm và thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng thỏa thuận nhưng dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên. Và khách hàng cũng không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.

Thủ tục được xem là trở ngại lớn nhất của DN khi tiếp cận với các chính sách, vậy phía NHCSXH đã và sẽ triển khai các giải pháp nào nhằm đảm bảo DN có thể tiếp cận với chương trình này?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ NSDLĐ vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất phải được đơn giản hóa tối đa về thủ tục và thời gian tiếp nhận, phê duyệt cho vay. Theo đó, NSDLĐ chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị vay vốn đến chi nhánh NHCSXH hoặc phòng giao dịch. Thời hạn giải quyết thủ tục và giải ngân tối đa là 7 ngày làm việc, kể từ ngày NHCSXH nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn của NSDLĐ.

NSDLĐ tự kê khai, lập danh sách, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin liên quan. Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách, cơ quan BHXH xác nhận việc tham gia BHXH của NLĐ, làm căn cứ để NHCSXH cho vay.

NHCSXH đã và sẽ triển khai những gì nhằm đưa gói tín dụng này đến gần hơn với DN?

Để kịp thời triển khai cho NSDLĐ vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, chi nhánh đã tham mưu UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp huyện phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện; tập huấn nghiệp vụ về cho vay đến cán bộ toàn chi nhánh. Phối hợp với UBMTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, Hiệp hội DN, chính quyền địa phương… tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho NSDLĐ vay để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất của NHCSXH.

Với những quy định, điều kiện mới đã được nới lỏng, thủ tục đơn giản hơn và thời gian giải quyết cho vay được rút ngắn, các DN sẽ gặp thuận lợi trong việc tiếp cận với chương trình này, nhằm tháo gỡ khó khăn trong tình hình hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

HOÀNG LOAN (thực hiện)

  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp cận sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo
Tiếp cận sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo

Tăng năng suất là giải pháp then chốt không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp (DN) tăng trưởng, mà còn đưa nền kinh tế và phúc lợi xã hội phát triển bền vững. Ngành khoa học và công nghệ (KHCN) tỉnh đang tập trung vào các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Kéo gần khoảng cách tiếp cận dịch vụ tài chính
Kéo gần khoảng cách tiếp cận dịch vụ tài chính

Tài chính toàn diện mang lại những lợi ích, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hướng lợi ích đến các đối tượng có năng lực tài chính trung bình thấp và dễ bị tổn thương là chia sẻ của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế với Báo Thừa Thiên Huế Cuối tuần.